Áp dụng luật phải bảo vệ 'chim sẻ'

Mai Phương
Mai Phương
16/02/2022 06:57 GMT+7

Theo các luật sư và chuyên gia, việc áp dụng các quy định pháp luật phải theo hướng bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, lẻ chứ không phải để bảo vệ nhà đầu tư lớn, những “ cá mập ” chứng khoán.

Thu lợi hàng trăm tỉ, xử phạt 1,5 tỉ đồng

Cách nay gần 1 tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, số tiền 1,5 tỉ đồng do đã bán 74,8 triệu cổ phiếu (CP) FLC (tương ứng 748 tỉ đồng theo mệnh giá), nhưng không báo cáo trước theo quy định. Đồng thời, ông Quyết cũng bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý khi áp dụng luật là phải nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư

ngọc thắng

Thế nhưng, hoạt động “bán chui” nêu trên của ông Quyết không chỉ khiến cổ đông FLC mà hầu như nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường đều phẫn nộ vì nếu thương vụ trên trót lọt, ông Quyết có thể bỏ túi hơn 370 tỉ đồng. Cổ đông của FLC thì lãnh đủ vì giá CP sau vụ “bán chui” của ông Quyết đã lao dốc và mất thanh khoản liên tục khiến họ bị mất ngay 50% số tiền đầu tư.

Các quy định xử phạt của UBCKNN cho các trường hợp làm giá, thổi giá CP đều diễn ra rất lâu sau khi hành vi vi phạm xảy ra. Ví dụ, cuối tháng 8.2021, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với hành vi thao túng giá CP FTM của Công ty CP Đầu tư và phát triển Đức Quân. Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Quân, và bà Phạm Thị Phương, thành viên Ban kiểm soát, đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung - cầu giả tạo, thao túng CP FTM. Mỗi cá nhân trên bị phạt 600 triệu đồng. Dù quyết định xử phạt không nêu rõ thời gian thực hiện hành vi thao túng giá nói trên, nhưng biến động của CP FTM diễn ra mạnh trong năm 2019 với cú lao dốc 30 phiên giảm sàn, từ gần 24.000 đồng/CP xuống dưới 3.000 đồng/CP…

Chỉ phạt hành chính là quá nhẹ

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính VN, nhận định việc vi phạm liên quan đến giao dịch CP như thao túng giá, mua bán “chui”, nội gián... vẫn diễn ra liên tục. Đáng lưu ý, hầu như những vụ làm giá CP đều xảy ra 2 - 3 năm trước đó thì UBCKNN công bố xử phạt. Trong khi hiện nay việc truy soát những giao dịch đáng ngờ, thay đổi của nhiều CP có thể thực hiện được ngay chỉ trong vài phiên giao dịch. Trước đó, hiệp hội này từng nhiều lần kiến nghị UBCKNN phải có những biện pháp chặt hơn như khóa tài khoản của các thành viên HĐQT, ban điều hành - là những người phải công bố thông tin trước khi giao dịch CP. Sau khi có đăng ký mua hay bán thì tài khoản mới được “mở” để thực hiện giao dịch.

Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, cho rằng hành vi này của ông Quyết nếu chỉ áp dụng quy định về xử phạt hành chính, dù là mức tối đa 1,5 tỉ đồng, cũng không đủ sức răn đe và ngăn ngừa những vi phạm tiếp theo của ông Quyết hay nhiều cá nhân khác. Tương tự, những vụ thổi giá, thao túng giá CP cũng cần được xem xét xử lý nghiêm, kể cả truy tố hình sự. Vị luật sư này nhấn mạnh: Cơ quan quản lý nhà nước phải áp dụng luật nghiêm hơn và nhanh hơn để bảo vệ các NĐT nhỏ, là những “chim sẻ” chứ không phải theo hướng bảo vệ NĐT lớn, là “đại bàng” vì điều đó sẽ khiến niềm tin của NĐT vào thị trường chứng khoán bị sụt giảm. “Cách hành xử như vậy mới là bảo vệ uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, sự minh bạch của thị trường”, LS Nghiêm nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.