Cai thuốc và giảm tác hại:

Áp dụng song hành hai giải pháp để kiểm soát thuốc lá hiệu quả

26/12/2023 15:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, cai thuốc vẫn là biện pháp lý tưởng, tiên quyết cần ưu tiên. Tuy nhiên khi chưa thể cai hoặc cai thất bại, cần áp dụng các giải pháp giảm tác hại thay thế cho thuốc lá điếu thông thường.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm khoa học với chủ đề "Cai thuốc và giảm tác hại - Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá" do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia y tế.

Áp dụng song hành hai giải pháp để kiểm soát thuốc lá hiệu quả- Ảnh 1.

Dù cai thuốc là điều kiện tiên quyết, song tỷ lệ thành công rất thấp

Theo PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, tại Việt Nam và trên thế giới đã xuất hiện nhiều chương trình cai nghiện thuốc lá. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để phát triển phong trào cai thuốc lá tại cộng đồng, trong bệnh viện… Tuy nhiên các chương trình này khá ngắn hạn và không đạt được mục đích dài hơi.

"Cai thuốc hoàn toàn là điều kiện tiên quyết giúp giảm tần suất, tiến triển của bệnh lý hô hấp nếu trong đang giai đoạn sớm", PGS Ngọc cho biết.

TS-BS Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K Trung ương dẫn số liệu nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có 70% người Mỹ có mong muốn cai nghiện, nhưng trên thực tế chỉ 9% trong số đó là cai nghiện thành công. Còn tại Việt Nam, so với cách đây 5 năm, tỷ lệ cai thuốc chỉ giảm thêm khoảng hơn 1%.

Theo BS Tuấn Anh, những dữ liệu trên cho thấy tỷ lệ cai nghiện thuốc lá thành công không cao. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có biện pháp khác để giúp giảm tác hại của thuốc lá đối với những người cai thuốc thất bại hoặc vẫn có ý định tiếp tục hút thuốc.

Giải thích về nguyên nhân khiến tỷ lệ cai được thuốc chưa cao, ThS-BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV nêu hai lý do. Lý do đầu tiên là trong thuốc lá có chứa nicotine, đây là chất dẫn truyền thần kinh, tạo nên cảm giác sảng khoái cho người hút thuốc. Song song đó, nicotine cũng có tác dụng tiêu cực là gây nghiện. Do đó, khi người nghiện thuốc lá bị ngưng nicotine đột ngột, họ sẽ bị "vã", lên cơn ghiền, người đổ mồ hôi, giận dữ hay thậm chí lú lẫn. Lý do thứ hai, theo BS Phương, là nghiện động tác, hành vi hút thuốc lá như cầm, châm lửa, rít thuốc…

Cần cân nhắc các biện pháp giảm tác hại

Để đạt được tỷ lệ cai thuốc lá thành công như mong đơi, BS Lê Đình Phương cho rằng, cần bổ trợ giải pháp "giảm tác hại". Khái niệm "giảm tác hại" được áp dụng cho nhiều vấn đề trong xã hội khi mà những giải pháp cấm đoán cực đoan không đem lại hiệu quả thực tiễn cũng như lợi ích cho cộng đồng.

BS Phương dẫn chứng, có những vấn đề mà y học đã từng muốn quyết liệt "tiêu diệt cho bằng được" như zero Covid, chống ma túy hay tiêu diệt HIV… Nhưng theo thời gian, những vấn đề trên vẫn không thể bị triệt tiêu hoàn toàn. Do đó, ngành y quay lại khái niệm trung dung và dễ chấp nhận hơn, đó là "giảm tác hại".

BS Phương cũng đưa ra một ví dụ thực tiễn sinh động tại Việt Nam là chương trình chống nghiện heroin. Khi không thể ngăn cấm hoàn toàn, ngành y đã triển khai phương pháp điều trị thay thế đó là cung cấp miễn phí methadone (một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và tổn thương não ở liều điều trị) cho những người nghiện ma túy mà không cai được.

Áp dụng song hành hai giải pháp để kiểm soát thuốc lá hiệu quả- Ảnh 2.

Dưới góc độ sức khỏe của người hút thuốc và cộng đồng, PGS Ngọc bổ sung, các giải pháp giảm tác hại từ dược phẩm thay thế nicotine đến các sản phẩm thuốc lá không khói thế hệ mới dù vẫn chứa nicotine, nhưng hàm lượng các chất độc hại đã giảm đi khá nhiều, nhờ vào nguyên lý không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường.

Bên cạnh đó, PGS-TS-BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp, Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về hệ thống y tế và các vấn đề sức khỏe cộng đồng, cũng nhấn mạnh cần thiết của cách tiếp cận "giảm tác hại" của thuốc lá. Theo PGS Toàn, với những người chưa thể cai thuốc thì đây là biện pháp cần phải cân nhắc, vì dù họ chưa cai được hoàn toàn nhưng ít nhất là có thể giảm được tác hại của thuốc lá lên sức khỏe ở mức thấp nhất.

Theo PGS Toàn, việc cai thuốc hoặc thực hiện các biện pháp giảm tác hại thuốc lá thành công sẽ mang lại lợi ích kép: Thứ nhất là lợi ích về mặt sức khỏe, hạn chế các yếu tố nguy cơ về bệnh tật, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người chưa cai được thuốc lá. Lợi ích thứ hai là về mặt kinh tế, giúp giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế do thuốc lá điếu gây ra, dồn ngân sách cho các hoạt động khác.

Dựa trên các số liệu đang có về hàm lượng các chất có trong thuốc lá nung nóng, PGS Toàn đưa ra giả định: "Nếu bắt đầu can thiệp áp dụng biện pháp giảm tác hại thuốc lá bằng thuốc lá mới, và giả định mỗi năm chúng ta có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang thuốc lá mới, với mức giảm 70% nguy cơ mắc các bệnh do khói thuốc lá; thì mỗi năm chúng ta có thể giảm được 1,5 nghìn tỉ đồng cho chi phí cho y tế điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, đồng thời có thể giảm được 4.700 trường hợp tử vong. Cũng trên cơ sở đó, từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30%".

Áp dụng song hành hai giải pháp để kiểm soát thuốc lá hiệu quả- Ảnh 3.

Bình luận về mô hình giả định này, BS Lê Đình Phương cho rằng Nhật Bản hiện đã áp dụng thành công mô hình giảm tác hại bằng thuốc lá nung nóng, khiến tỷ lệ nhập viện của 2 bệnh nhồi máu cơ tim và COPD giảm đi một cách rõ rệt.

Kết luận tọa đàm, các chuyên gia y tế đều đồng tình, bên cạnh cai thuốc, cần bổ trợ giải pháp giảm tác hại trong chiến lược kiểm soát thuốc lá để cả đối tượng cai thành công hay chưa cai thành công đều được quan tâm bảo vệ. Đặc biệt, những người làm chính sách đối với các sản phẩm thuốc lá mới cần hiểu rõ từng loại sản phẩm để quản lý tách bạch, tránh đánh đồng mọi loại thuốc lá mới là như nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.