Áp lực lên chính quyền Kyiv sẽ ngày càng tăng khi giới lãnh đạo phương Tây nâng cao tầm quan trọng của cuộc phản công sắp tới của Ukraine đối với chiến thắng cuối cùng của nước này.
Đó là nhận định của trang Business Insider sau khi phỏng vấn một số chuyên gia, theo đó kỳ vọng về những gì Ukraine có thể và nên đạt được trong cuộc phản công có thể phá hỏng kế hoạch của Kyiv.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2.2022, phương Tây đã viện trợ rất nhiều cho Ukraine, từ tài chính, vũ khí đạn dược đến huấn luyện. Chỉ riêng Mỹ đã rót hàng chục tỉ USD để hỗ trợ Ukraine.
Vì vậy, theo Business Insider, các chuyên gia nhận định việc Ukraine giành lại nhiều lãnh thổ trong cuộc phản công sắp tới sẽ có tác dụng trấn an Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng cuộc chiến tiêu hao này sắp kết thúc.
Theo ông Mick Ryan, cựu thiếu tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu, mọi bước tiến của Ukraine trên chiến trường đều "phải được coi là một thành công đối với người dân Ukraine cũng như các chính trị gia Mỹ và châu Âu".
Kỳ vọng vào cuộc phản công càng lớn hơn khi cuộc giao tranh ở thành phố Bakhmut (tỉnh Donetsk) đã kéo dài nhiều tháng, gây tổn thất lớn về nhân lực và trang thiết bị nhưng chưa mang lại kết quả lớn nào.
Ông Mark Cancian, Cố vấn cấp cao của chương trình an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nói rằng "có nhiều người ở Mỹ và NATO lo ngại rằng đây sẽ là một cuộc chiến vĩnh viễn, có thể còn tiếp diễn trong nhiều năm và phương Tây sẽ phải tiếp tục đổ tiền vào mà không đạt được nhiều tiến triển".
Theo báo The Washington Post, một số quan chức quốc phòng Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã bày tỏ lo ngại rằng kỳ vọng của đồng minh về cuộc phản công có thể đã bị đẩy lên quá cao và có khả năng không đạt được.
Tổng thống Ukraine cho biết nước này cần thêm thời gian trước khi có thể phản công. Trong khi đó, theo các chỉ huy Ukraine, Kyiv vẫn thiếu vũ khí quan trọng cần thiết cho một chiến dịch quy mô lớn. Các vũ khí được liệt kê bao gồm các hệ thống vũ khí có tầm bắn 300 km để tấn công các kho đạn và trung tâm chỉ huy sâu trong hậu phương Nga.
Theo báo The Guardian, giới chức Ukraine cũng ngày càng lo ngại rằng nếu cuộc phản công chỉ giành được những phần lãnh thổ khiêm tốn, các đồng minh phương Tây sẽ gây áp lực buộc nước này phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga, trong đó phần bất lợi nghiêng về Kyiv.
Một số chuyên gia cho rằng việc gây áp lực như vậy cho Ukraine là một điều nguy hiểm.
Theo ông Ben Hodges, một trung tướng đã nghỉ hưu và từng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, sự e ngại ngày càng tăng của phương Tây về cuộc chiến là do một số yếu tố, bao gồm việc họ không tin rằng Ukraine có thể thắng, cũng như những lo ngại mà ông cho là "không đúng chỗ" về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông cho rằng phương Tây sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm nếu xem cuộc phản công này đóng vai trò quyết định đối với nỗ lực kháng cự của Ukraine.
Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Ukraine "chỉ có một cơ hội" để chứng tỏ, và nếu lần phản công này thất bại thì sẽ bị cắt toàn bộ viện trợ. Theo ông, áp lực quá lớn từ phương Tây sẽ ngăn cản Ukraine tiến đến một chiến thắng hoàn toàn.
Bình luận (0)