Áp lực của các trường ĐH chủ trì cụm thi

25/03/2015 09:00 GMT+7

Năm đầu tiên được giao chủ trì tổ chức cụm thi với quy mô lớn hơn hẳn so với trước kia, nhiều trường ĐH đã “căng mình” để lên phương án tổ chức kỳ thi này.

Năm đầu tiên được giao chủ trì tổ chức cụm thi với quy mô lớn hơn hẳn so với trước kia, nhiều trường ĐH đã “căng mình” để lên phương án tổ chức kỳ thi này.
 
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường ĐH khác chủ trì cụm thi gặp nhiều áp lực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới - Ảnh: Ngọc ThắngTrường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường ĐH khác chủ trì cụm thi gặp nhiều áp lực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới - Ảnh: Ngọc Thắng
Khác với những năm trước, các trường ĐH chủ trì cụm thi năm nay sẽ phải đảm nhận toàn bộ các phần việc từ in sao đề, coi thi, chấm thi... nên khối lượng công việc sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với trước.
Lo từ phòng thi đến chỗ nghỉ cho thí sinh
Là một trong 8 trường ĐH được giao nhiệm vụ chủ trì các cụm thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuẩn bị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS).
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: Nếu năm 2014, trường có chưa đến 10.000 TS dự thi thì năm nay theo dự kiến lên tới 25.000. Với số TS lớn như vậy, chỉ riêng cơ sở vật chất của trường không đủ. Do đó, nhà trường chủ động liên hệ và hiện đã "chốt" 3 địa điểm ở 3 trường: Bách khoa, Xây dựng, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Hải Phòng có 2 cụm thi do 2 trường ĐH: Hàng hải và Hải Phòng chủ trì, gồm các TS đến từ 3 tỉnh, TP: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Theo dự kiến, lượng TS dự thi ở Hải Phòng sẽ khoảng gần 65.000, trong đó 2/3 là các TS ngoại tỉnh. Ông Nguyễn Khắc Khiêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hàng hải, cho biết: Năm nay nhiệm vụ của nhà trường sẽ nặng hơn so với những năm trước vì lượng TS nhiều hơn.
Trường ĐH Tân Trào chủ trì và phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức thi cho TS 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ông Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng dự kiến có khoảng 10.000 - 12.000 TS. Theo ông Đức, lần đầu tiên chủ trì một cụm thi THPT quốc gia không phải không có những khó khăn, vì mọi năm trường chỉ tổ chức tuyển sinh với quy mô nhỏ, khoảng 5.000 - 6.000 TS. Ngoài việc khảo sát các địa điểm thi, nhà trường cũng khảo sát cơ sở nội trú tại các trường ĐH, CĐ, TCCN, nhà trọ, nhà hàng, khách sạn... phục vụ chỗ ăn, nghỉ cho TS ở xa.
Các sở GD-ĐT, thanh niên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ
Dù giao cho các trường ĐH lớn chủ trì các cụm thi nhưng lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT quan niệm đây là kỳ thi với mục đích lớn nhất và bắt buộc, xét tốt nghiệp THPT, nên các sở không thể đứng ngoài cuộc.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Trong quy chế đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan liên quan. Nhưng vẫn còn một vấn đề mà chúng tôi đang chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD-ĐT: Tuy trường ĐH chủ trì nhưng đặt điểm thi ở những đâu thì ai là người quyết định, sở hay trường ĐH? Quy chế cũng chỉ nói trường ĐH phối hợp với sở chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất. Tuy vậy chúng tôi cũng xác định cần phải chủ động chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi”.
Ông Độ nói thêm: “Chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị tâm thế, các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để làm nhiệm vụ coi thi cũng như chấm thi trong kỳ thi này”.
Trường ĐH Tân Trào cũng có kế hoạch phối hợp với UBND, Đoàn thanh niên trong việc tìm nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ giúp TS có hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng đặc biệt khó khăn sẽ được sử dụng miễn phí ký túc xá của trường.
Theo ông Lê Văn Trưởng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), trường đã tiến hành khảo sát 70 điểm trường với số lượng hơn 1.800 phòng thi. Các điểm thi chủ yếu là những điểm trường nằm dọc QL1A để tạo điều kiện thuận lợi cho TS đi lại và tìm địa điểm thi. Trường không tổ chức điểm thi tại thị xã Sầm Sơn vì kỳ thi diễn ra vào tháng du lịch, lượng khách về biển Sầm Sơn đông sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức kỳ thi. Trường đã làm việc với Tỉnh đoàn Thanh Hóa huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ cho TS chỗ ăn ở, đi lại.
Tính đến phương án bố trí lều, trại
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay TS của 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An sẽ cùng dự thi tại Trường ĐH Đồng Tháp. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, bày tỏ nỗi lo với PV Thanh Niên. Theo ông Nguyên, toàn tỉnh Long An có khoảng 14.000 TS tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015. Nếu dự kiến cứ 2 TS có 1 phụ huynh đi theo, tổng cộng đã có 21.000 người từ Long An tới TP.Cao Lãnh. Với đoạn đường dài hơn 120 km, tỉnh phải huy động khoảng 400 lượt xe khách để vận chuyển, chi phí rất lớn. Trong khi khoảng cách từ TP.Tân An về TP.HCM rất gần, chưa tới 50 km.
Nhưng điều lo lắng nhất, theo ông Nguyên là việc bố trí chỗ ăn, ở cho TS và gia đình. Theo khảo sát thì toàn TP.Cao Lãnh hiện chỉ có khoảng 1.000 phòng nghỉ, bao gồm cả khách sạn và nhà trọ. Tuy nhiên, nơi có nhiều phòng nhất là các khách sạn lớn nhưng với giá phòng từ 400.000 - 500.000 đồng/đêm thì đa số TS và phụ huynh không thể nào kham nổi. Do vậy, phương án đưa ra là có thể tìm nơi để bố trí lều, trại dã chiến cho TS và phụ huynh ở tạm trong vài ngày. “Nhưng việc bố trí lều trại ở tạm sẽ để lại hậu quả về môi trường. Đây là chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ mà phương án của Bộ chưa tính tới”, ông Nguyên nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Đúng là có một áp lực rất lớn về chỗ ở. Đây là vấn đề khó khăn nhưng có thể chúng tôi sẽ vận động thêm nhà dân cho TS ở trọ.
Hoàng Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.