(TNTS) Gần đây, anh hay đi làm về muộn. Khi nào về cũng nồng nặc hơi bia. Mấy buổi tối chị bận học, thường là anh đón con, nhưng anh kêu bận không đón được, mặc kệ chị vất vả sắp xếp.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Thằng bé cự nự “cho con xem nốt” và bị anh quát to, tắt phụp ti vi rồi lôi xềnh xệch vào phòng vệ sinh. Khi chị từ dưới nhà chạy lên thì thấy thằng bé rấm rứt khóc. Anh nhìn chị trừng trừng, càng quát to hơn, thằng bé sợ nên luýnh quýnh, bị trượt chân trong phòng vệ sinh. Lúc ấy mà anh vẫn không ngừng quát, nào mẹ chiều con, nào con hư đốn, lại còn đóng sập cánh cửa kính khiến nó rung xoảng một tiếng. Đêm khuya mà tiếng quát to của anh làm bà Tư hàng xóm phải ngó sang hỏi, tưởng nhà có chuyện gì.
Lúc đi ngủ, chị lựa lời góp ý với anh, anh gằn giọng nói cụt ngủn: “Em để anh yên đi. Gần đây anh có nhiều áp lực. Công việc, mệt mỏi...”. Chị im lặng. Không phải chị không biết gần đây công việc của anh có những trục trặc, khó khăn. Chị nghe đồng nghiệp của anh nói về mấy hợp đồng chưa được nghiệm thu, anh phải làm thêm nhiều giờ và chịu trách nhiệm một phần trong việc thực hiện công trình không đúng tiến độ, chất lượng không như ý, lại không tìm được tiếng nói chung giữa các sếp liên quan.
Chị biết thế, nên chuyện anh về muộn, không đón con như thường lệ, về nhà có mùi bia... chị cố gắng kiềm chế, không cằn nhằn kêu ca. Chị để ý và thương khi thấy trong bữa cơm, anh ăn có vẻ không ngon; mấy ngày quên cạo râu, nhiều lúc nghe điện thoại với tâm trạng lo lắng.
Tình trạng đó kéo dài đã vài tháng. Chị nín nhịn, cố gắng làm những việc nho nhỏ, ý nhị giúp chồng đi qua lúc khó khăn. Mua thêm thuốc bổ cho anh, nấu những món anh thích, kể cho anh những chuyện vui vui từ những người thân xung quanh, chuyện bé Tũn thông minh, láu lỉnh... Nhưng dường như anh vẫn không chú tâm, vẫn mang nỗi buồn bực về nhà, ngày càng khó chịu, ít cười, ít nói. Như hôm nay, cu Tũn đi ngủ mà giọt nước mắt còn đọng trên mi, chị thấy anh cũng không tỏ ra áy náy vì đã quát con vô lý.
Chị nghĩ ngợi và buồn. Đâu phải chỉ mình anh áp lực. Ngay hiện tại, chị cũng có rất nhiều chuyện đang tác động xấu trong công việc, mà trước mắt, chuyện cắt giảm nhân sự, giảm lương là một mối lo của chị và đồng nghiệp.
Dù làm tốt công việc của mình, nhưng lớp học quản lý mà chị đang theo đuổi dở dang có thể là cái cớ để một đồng nghiệp “gạt” chị ra khỏi vị trí đang nắm giữ, và điều đó cũng đồng nghĩa thu nhập của chị không được như trước. Trong nhà, anh cũng biết rằng lâu nay thu nhập chính của gia đình là từ chị, phần của anh khi nhiều khi ít trồi sụt theo công ty, không ổn định.
Chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, mà còn liên quan đến các khoản cố định chị đang phải lo cho gia đình hai bên, như là tiền thuốc cho ba anh ốm nằm một chỗ đã lâu, tiền học cho đứa cháu ở quê chị nhận nuôi giùm vì ba mẹ nó quá nghèo... Nhiều khi đầu óc căng thẳng, nhưng chị luôn tâm niệm về nhà là phải gạt hết, để dành sự dịu dàng, tươi tỉnh cho chồng, cho con.
Chị không than phiền, cũng không hé cho anh biết nỗi lo của mình. Giờ nghe anh nói đến áp lực của anh, chị mới tủi thân khi nghĩ đến áp lực của chị. Ừ thì áp lực của anh, anh phải có chỗ trút cho vơi nhẹ, nhưng phải chăng chỗ trút ấy là chính ngôi nhà ấm êm?
Bình luận (0)