Áp lực vận hành công tác bán trú trong quản lý giáo dục

01/12/2022 13:00 GMT+7

Sau vụ ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang, hàng loạt trường học khẩn trương rà soát suất ăn bán trú cả về chất lượng lẫn yêu cầu an toàn thực phẩm.

Chi phí và chất lượng bữa ăn, cần nhà trường xem xét kỹ

Đa số các trường chọn nhà cung cấp bữa ăn bán trú theo 3 cách: đấu thầu, chỉ định thầu hoặc dựa trên ý kiến đồng thuận của nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh tùy vào quy định của từng địa phương, từng trường học.

Một trong những vấn đề mà phụ huynh đặt câu hỏi chính là họ trả đến 70.000 đồng cho một suất ăn không đạt chất lượng. Theo thông tin từ Trường iSchool Nha Trang, 68.000 đồng là dịch vụ bán trú gồm suất ăn trưa, ăn xế và các chi phí bán trú khác như chăm sóc và giáo dục bán trú... nhưng sự cố nghiêm trọng tại đây cho thấy nhiều hạn chế trong khâu quản lý vận hành bữa ăn bán trú trong đó câu chuyện về giá cả có tương xứng với chất lượng gây nhiều tranh cãi.

Giáo viên thăm hỏi tình hình sức khỏe của học sinh vào ngày đầu trở lại trường

Thực tế, nhiều hiệu trưởng cho rằng rất áp lực khi thực hiện bữa ăn bán trú, đặc biệt, trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan, thậm chí len lỏi vào tận siêu thị. Điều này vượt quá khả năng giám sát của trường, nên ngoài việc chọn nhà cung cấp có đầy đủ giấy phép theo quy định của pháp luật thì phải tăng cường tần suất kiểm tra đột xuất nhà cung cấp đối với các nguyên liệu hay quá trình bảo quản, chế biến, nhưng bằng mắt thường khó mà kiểm soát tối đa.

Sau sự cố ngộ độc thực phẩm, phụ huynh có yêu cầu khắt khe hơn. Ngoài việc đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, nhà trường cần giám sát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các suất ăn đặt từ bên ngoài. Thậm chí, nguồn thực phẩm phải đạt chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận quốc tế khác về an toàn thực phẩm… Các trường cũng phải có giải pháp tự kiểm tra về an toàn thực phẩm bếp ăn căn tin trong trường học.

Chuẩn hóa quy trình kiểm soát khâu vệ sinh an toàn thực phẩm

Trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mỗi ngày phục vụ gần 1 triệu học sinh bán trú. Vì vậy, quản lý bữa ăn bán trú là một vấn đề quan trọng của ngành giáo dục. Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT, cho biết, các quy định về tổ chức bữa học đường rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn, với thực phẩm, nguyên liệu nấu cần có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của bên cung cấp và kiểm tra chất lượng, độ tươi nguyên, nhiệt độ theo từng lô hàng thực phẩm, bao gồm kiểm soát nhiệt độ chuẩn trong quá trình vận chuyển do nhà cung cấp thực hiện,…

Đa phần các bếp ăn trường học đã có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, để đáp ứng các quy định trên. Hầu hết nhân viên chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Một bếp ăn phục vụ học sinh bán trú ở trường học

Tuy nhiên, sự cố xảy ra là lời cảnh báo đến việc giám sát an toàn thực phẩm cho các em học sinh trên cả nước nói chung, không được lơ là chủ quan, dù là vấn đề nhỏ nhất. Bởi vì, có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh dễ bị ngộ độc thực phẩm. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cân đối khẩu phần dinh dưỡng trong suất ăn cho học sinh bán trú là một trong những tiêu chí đánh giá nhà trường hằng năm. Vì vậy, nhiều hiệu trưởng cho rằng rất áp lực với nhiệm vụ tổ chức bữa ăn bán trú trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan như hiện nay.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, các ký kết liên tịch giữa sở với ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố hằng năm đều có những hướng dẫn, những yêu cầu các cơ sở thực hiện các quy định, quy trình phối hợp các cơ quan để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường. Sở GD-ĐT và Ban An toàn thực phẩm TP đầu năm học cũng kiểm tra đồng loạt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc giám sát, kiểm tra đột xuất cũng được thực hiện tùy thời điểm.

Trong khi đó, chính quyền Đà Nẵng khuyến khích các cơ sở giáo dục chỉ dùng thực phẩm có tem truy xuất nguồn gốc đã được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công bố. Bên cạnh các biện pháp có tính chất hành chính, nhiều trường học phối hợp với đại diện cha mẹ học sinh tổ chức giám sát các bữa ăn. “Đây là một vấn đề cần nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn cho con em mình. Chúng tôi mong muốn xây dựng thành quy định chung để phụ huynh tham gia vào việc giám sát bữa ăn của các con", chị Thanh Hằng, một phụ huynh quận 3, TP.HCM, cho biết.

Đây sẽ là bài toán chỉ có lời giải từ sự chung tay của gia đình, nhà trường và các cơ quan quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.