Áp thấp nhiệt đới có thể sẽ không mạnh thành bão, nhưng gây mưa lớn từ miền Trung đến miền Nam

14/11/2013 18:55 GMT+7

(TNO) Tuy có thể sẽ không mạnh lên thành bão nhưng áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh từ Trung bộ trở vào đến Nam bộ và Tây nguyên. Đợt mưa sẽ bắt đầu trong tối nay 14.11, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.

(TNO) Tuy có thể sẽ không mạnh lên thành bão nhưng áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh từ Trung bộ trở vào đến Nam bộ và Tây nguyên. Đợt mưa sẽ bắt đầu trong tối nay 14.11, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.

Theo ông Bùi Minh Tăng, đến chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ vĩ bắc; 112,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận khoảng 350 km về phía đông.

Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có gió mạnh nhất cấp 7, tức là từ 50 - 61 km/giờ, giật cấp 8 - 9. Trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây.

Sau đó áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km rồi đi vào đất liền các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Dự báo đến chiều 15.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc; 106,5 độ kinh đông trên khu vực các tỉnh Nam bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 39 km/giờ.

Ông Bùi Minh Tăng cho biết áp thấp nhiệt đới có thể sẽ không có khả năng mạnh lên thành bão. Nhưng do kết hợp với không khí lạnh tăng cường xuống nước ta nên các tỉnh Trung Trung bộ và Nam bộ, bao gồm cả Tây nguyên sẽ có đợt mưa lớn diện rộng.

Theo dự báo, mưa sẽ bắt đầu từ tối nay 14.11 và kéo dài đến hết tuần. Lượng mưa phổ biển từ 100 - 300 mm. Mưa ở miền Trung nhiều nơi sẽ lên tới 400 - 500 mm có thể gây lũ lớn trên các sông suối, khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Cũng theo ông Bùi Minh Tăng, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp nhiễu động gió đông trên cao, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận có gió giật cấp 6 - 8.

Cùng ngày, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi các đơn vị quân đội sẵn sàng các phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới.

Theo đó, biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau phối hợp với địa phương theo dõi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Quản lý chặt chẽ tàu, thuyền, đặc biệt phương tiện đang đánh bắt xa bờ, giữ thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 9 đến vĩ tuyến 15 (vùng biển từ Ninh Thuận đến Phú Yên), vùng biển nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Hoàng Phan - Hải Minh

>> Áp thấp nhiệt đới cách Phú Yên - Bình Thuận 420 km
>> Áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, có khả năng thành bão
>> Áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão
>> Sau siêu bão, người dân Philippines lại sơ tán vì áp thấp nhiệt đới
>> Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
>> Siêu bão Hải Yến suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
>> Người dân Cần Giờ vui mừng vì áp thấp nhiệt đới không mạnh thành bão
>> Tâm áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực Khánh Hòa - Bình Thuận
>> Áp thấp nhiệt đới hướng vào Nam Trung bộ và Nam bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.