Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão hướng vào nam Trung bộ, Nam bộ

02/11/2017 09:31 GMT+7

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão vào đang có hướng di chuyển về phía các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 4 giờ sáng nay 2.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ vĩ bắc và 117,7 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, tức là từ 50 - 60 km/giờ, giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày mai 3.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ vĩ bắc và 113,7 độ kinh đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, tức là từ 60 - 90 km/giờ, giật cấp 11.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 11, khiến biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm có gió mạnh từ cấp 6 trở lên trong khoảng 10 - 14 độ vĩ bắc và phía đông 112,0 độ kinh đông
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay 2.11, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh trung và nam Trung bộ có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9, biển động.
Trong tối qua 1.11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh khu vực Tây Nguyên yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ và không để ảnh hưởng đến các sự kiện tại hội nghị APEC.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão Linda (xảy ra ngày 2.11.1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch. Các địa phương đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên nằm trong ảnh hưởng của mưa lũ, rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động chỉ đạo ứng phó.
Theo đó, các địa phương phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.  Chính quyền địa phương chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.