Chia sẻ tại tọa đàm "Thuế VAT cho phân bón - Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước" do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 10.11, bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên viên chính Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), cho biết phương án chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5% có ưu điểm thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu.
"Toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế VAT đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dư địa để giảm giá bán", bà Hương nói.
Bà Hương nhận định, phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế VAT 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế VAT 5%.
Với cơ chế thị trường và thị phần lớn của phân bón sản xuất trong nước, nếu phân bón trong nước giảm được giá thành thì mặt bằng giá trong nước nhìn chung sẽ ở xu thế giảm hơn.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, chia sẻ qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông nhận thấy thời gian qua, thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi, chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế đã gây ảnh hưởng, bất lợi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
"Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là phải áp thuế suất VAT 5% đối với ngành phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa nêu quan điểm.
Nhà nước phải đảm bảo bình ổn giá phân bón nếu áp thuế 5%
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện mặt hàng phân bón thuộc diện không chịu thuế VAT, có hai kịch bản để lựa chọn khi áp dụng thuế VAT với phân bón là 0% hay 5%.
"Tôi cho rằng chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như chúng ta lấy đối tượng nào làm trọng tâm, Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng - ở đây là người nông dân, mà quyết định. Chúng ta muốn lợi ích của ai là lớn nhất, đó là câu chuyện cần phải bàn kỹ", ông Hiếu nói.
"Khi áp thuế 5%, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng lên; còn trong trường hợp thuế suất VAT 0%, ít nhất giá thành phân bón không tăng. Trong cả hai kịch bản, doanh nghiệp đều có lợi ích như nhau, đây là cơ hội giảm chi phí. Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%, sản xuất trong nước sẽ được gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, họ phải trả thêm 5%. Nếu doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, họ có sẵn sàng giảm giá bán cho nông dân hay không? Việc doanh nghiệp có sẵn sàng giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng", ông Hiếu nêu vấn đề.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, trước khi trình thông qua toàn văn dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Cho rằng chuyển phân bón từ diện không áp thuế VAT sang áp thuế 5% là đề xuất phù hợp, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Giá thành sản xuất giảm đi, doanh nghiệp có lợi nhuận, từ đó nâng cao hiệu suất của phân bón, đồng thời có cơ hội để giảm giá bán hoặc khuyến mãi cho nông dân. Tuy nhiên, hiệp hội phân bón phải vào cuộc để các thành viên phải làm được".
Đồng tình với việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện áp thuế VAT 5%, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: "Áp thuế nhưng phải thỏa mãn các điều kiện, quan trọng là Nhà nước phải cam kết được việc bình ổn giá".
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định phân bón là 1 trong 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế VAT. Tại dự thảo luật sửa đổi lần này, Chính phủ đưa mặt hàng phân bón ra khỏi diện miễn thuế và áp mức thuế suất 5% (mức phổ thông là 10%).
Tại phiên họp Quốc hội ngày 29.10 vừa qua, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến nhất trí với dự thảo luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.
Ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Bình luận (0)