Theo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, mới đây các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình của đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị áp xe vùng mặt, sau tiêm filler (chất làm đầy) thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.
Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng, tái tạo vùng da bị tổn thương do áp xe và hỗ trợ tâm lý. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể bị những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Theo Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình , biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler thường có nguyên nhân do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Biến chứng này được báo cáo nhiều hơn trong thời gian gần đây do lợi nhuận ngày càng tăng của thị trường chất làm đầy.
Biến chứng nhiễm trùng filler thường biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm. Với các ca nhiễm trùng, kết quả vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, E Coli... Ca bệnh nữ nêu trên bị nhiễm trùng do vi khuẩn Klebsiella.
Để phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp, các bác sĩ khuyến cáo sản phẩm filler cần phải đảm bảo chất lượng, được chứng nhận. Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, đến phát hiện và xử trí biến chứng.
Trước khi tiêm, khách hàng cần được tư vấn đầy đủ về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy. Khách hàng cần được hiểu biết thấu đáo về các biến chứng tiềm ẩn cũng như cách xử trí có thể giúp tránh và hạn chế thương tổn.
Các loại filler được cấp phép vẫn khẳng định tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỷ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như: bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ.
Tuy nhiên trên thực tế filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử.
Bình luận (0)