Theo PhoneArena, cả Apple và Samsung đều có mức chi tiêu vào chip bán dẫn tăng hằng năm hơn 20% trong khi Huawei dù chi tiêu đứng vị trí thứ ba nhưng thấp hơn 23% vào năm ngoái do các hạn chế của Mỹ đối với công ty này. Một trong những hạn chế - một sự thay đổi trong quy tắc xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ - yêu cầu các xưởng đúc toàn cầu phải có giấy phép từ Mỹ để xuất xưởng chip Huawei được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.
Mặc dù vậy, Huawei vẫn đứng ở vị trí thứ ba trong số những hãng chi tiêu vào bán dẫn sau Apple và Samsung. Lenovo (4% - tương đương 18,5 tỉ USD) và Dell (3,7% - tương đương 16,6 tỉ USD) lần lượt đứng ở vị trí thứ tư và năm.
Giám đốc nghiên cứu Masatsune Yamaji của Gartner cho biết hai yếu tố chính ảnh hưởng đến chi tiêu bán dẫn của các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) vào năm 2020 là đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Đại dịch làm suy yếu nhu cầu về điện thoại thông minh 5G và làm gián đoạn sản xuất nhưng đã thúc đẩy nhu cầu về máy tính di động và trò chơi điện tử, cũng như đầu tư vào các trung tâm dữ liệu đám mây đến năm 2020. Hơn nữa, giá bộ nhớ tăng vào năm 2020 cũng dẫn đến chi tiêu chip OEM tăng trong năm.
Mười nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu đã tăng chi tiêu cho chip bán dẫn lên 10% vào năm 2020 và chiếm 42% chi tiêu cho các linh kiện này; tăng từ mốc 40,9% thị trường mà mười OEM hàng đầu chi tiêu vào năm 2019.
Ở vị trí dẫn đầu, Apple đã chi tiêu tổng cộng 53,6 tỉ USD chip vào năm ngoái, dẫn đầu bởi nhu cầu đối với AirPods, iPad và Mac. Ông Yamaji của Gartner nói, “nhu cầu về máy tính di động và máy tính bảng ngày càng tăng do làm việc tại nhà đã thúc đẩy đáng kể việc sản xuất máy Mac và iPad đến năm 2020. Công ty cũng bắt đầu chuyển sang Apple silicon cho dòng sản phẩm Mac của mình trong nửa cuối năm 2020".
Sau Dell, BBK Electronics đứng thứ sáu về lượng mua chip bán dẫn vào năm ngoái. Công ty Trung Quốc sản xuất điện thoại dưới các thương hiệu OnePlus, Oppo, Vivo, Realme và iQOO. HP đứng ở vị trí thứ bảy, tiếp theo là Xiaomi, Hon Hai (còn gọi là Foxconn) và Hewlett Packard.
Hãng cho thấy mức tăng trưởng mua chip bán dẫn lớn nhất vào năm ngoái là Xiaomi của Trung Quốc, hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới. Nhà sản xuất đã chứng kiến lượng mua chip của mình tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Gartner lưu ý "hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Xiaomi bị ảnh hưởng nhỏ do mô hình bán hàng chủ yếu dựa vào kênh trực tuyến trong suốt đại dịch. Các lệnh trừng phạt đối với Huawei đã cho phép Xiaomi giành thêm thị phần trên thị trường điện thoại thông minh. Xiaomi thành công trong nhiều loại thiết bị IoT tiêu dùng bao gồm TV thông minh, thiết bị đeo được và thiết bị gia dụng thông minh, giúp tăng chi tiêu cho chất bán dẫn vào năm 2020".
Nhìn chung, 449,8 tỉ USD đã được chi cho chip vào năm ngoái, tăng 7,3% so với 419,1 tỉ USD năm 2019.
Bình luận (0)