Apple có thể đem hàng tỉ USD về Mỹ vào năm sau

02/09/2016 12:59 GMT+7

Gã khổng lồ công nghệ cuối cùng cũng có thể đưa một phần trong núi tiền khổng lồ ở nước ngoài về lại Mỹ.

Theo CNN, chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) gửi Apple hóa đơn thuế 14,6 tỉ USD, CEO Tim Cook cho biết ông dự tính sẽ chuyển hàng tỉ USD trong lợi nhuận về lại Mỹ vào năm sau.
“Chúng tôi dự phòng vài tỉ USD để thanh toán cho đất nước ngay sau khi hồi hương, và bây giờ tôi có thể dự báo rằng chuyện này sẽ xảy ra trong năm tới”, ông Cook nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RTE của Ireland.
Các doanh nghiệp Mỹ có nghĩa vụ trả thuế liên bang cho lợi nhuận toàn cầu của họ, song thuế đánh lên doanh thu ở nước ngoài chỉ phải trả khi được các doanh nghiệp mang về Mỹ. Năm ngoái, Cook từng nói rằng ông “sẽ thích” hồi hương lợi nhuận nước ngoài của Apple, song ông không thể vì “nó sẽ làm tôi tốn thêm 40%”. CEO Apple đang nhắc đến tổng thuế liên bang và tiểu bang mà Apple có thể phải trả.
Trong tháng 4, Oxfam America ước tính Apple đang nắm 181 tỉ USD ở nước ngoài, mức thuế suất hiệu quả của công ty là 25,9% từ năm 2008 đến năm 2014. Hãng công nghệ cho hay họ đã thanh toán 400 triệu USD tiền thuế ở Ireland hồi năm 2014, và thêm 400 triệu USD nữa ở Mỹ. Ông Cook nói: “Năm 2014, mức thuế doanh thu toàn cầu của chúng tôi là 26,1%. Cá nhân tôi nghĩ đây là mức hợp lý”.
Hôm 30.8, giới chức châu Âu ra quyết định rằng Ireland phải thu hồi 13 tỉ EUR, tương đương 14,6 tỉ USD, tiền thuế chưa thanh toán từ Apple. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng chính phủ Ireland cấp viện trợ bất hợp pháp cho Apple bằng cách giúp hãng này hạ hóa đơn thuế một cách giả tạo trong hơn 20 năm.
Hãng "táo khuyết" chỉ trả 50 USD tiền thuế cho mỗi 1 triệu USD kiếm được từ việc bán sản phẩm iPhone và iPad cho hầu hết phần còn lại của thế giới ngoài Mỹ, EU cho hay. Chi trả như trên, Apple chỉ phải chịu mức thuế suất là 0,005% trong năm 2014.
“Đó là số liệu sai lầm. Tôi không hiểu con số đến từ đâu. Nó không đúng”, CEO Apple trả lời trên kênh RTE. Doanh nghiệp cho biết họ sẽ kháng quyết định của EU và hy vọng giành chiến thắng. Ireland cũng dự kiến kháng quyết định, dù chính phủ nước này hoãn việc ra quyết định hôm 31.8.
“Chúng tôi đã có mối tình lãng mạn lâu dài với nhau. Đây là cuộc hôn nhân 37 năm. Giống như bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bạn ít nhiều phải trải qua sóng gió nhưng chúng tôi vẫn ở với nhau vì chúng tôi luôn cảm thấy rất gần gũi với cộng đồng, người dân ở đó”, ông Cook chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.