Apple gây tranh cãi khi chuyển dữ liệu iCloud sang Trung Quốc

01/03/2018 13:58 GMT+7

Động thái mới nhất của Apple tại Trung Quốc đang khiến những người ủng hộ quyền riêng tư và nhân quyền lo ngại.

Theo CNN, Apple hôm 28.2 đã chuyển các tài khoản iCloud đăng ký tại Đại lục từ các máy chủ ở Mỹ sang các máy chủ đặt ở Trung Quốc, đáng chú ý là các máy chủ này thuộc quyền quản lý của nhà nước. Hãng công nghệ Mỹ cũng cung cấp các thông số kỹ thuật cần thiết để mở khóa tài khoản.
“Các thay đổi đang được thực hiện đối với iCloud là dấu hiệu mới nhất cho thấy môi trường pháp lý khắc nghiệt của Trung Quốc khiến cho Apple khó có thể duy trì cam kết về bảo mật sự riêng tư và an ninh của người dùng”, Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền con người, cảnh báo.
Những lời chỉ trích khác nhấn mạnh vào hàng loạt bất công mà các công ty quốc tế lớn phải đánh đổi để có cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, một thị trường khổng lồ và là cơ sở sản xuất quan trọng cho Apple.
Theo ông Ronald Deibert, Giám đốc phòng thí nghiệm Citizen Lab thuộc University of Toronto, trước đây nếu chính quyền Trung Quốc muốn truy cập dữ liệu người dùng của Apple, họ phải trải qua một quá trình pháp lý quốc tế và phải tuân thủ các luật về quyền của người tiêu dùng theo quy định của Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây “họ không còn phải làm như vậy nữa nếu iCloud và các khóa mật mã nằm trong thẩm quyền kiểm soát của Trung Quốc”, ông Deibert nói với CNN.
Công ty tiếp quản các hoạt động iCloud của Apple ở Đại lục là Guizhou-Cloud Big Data (GCBD), thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu. Hiện GCBD vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Apple cho biết thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến các tài khoản iCloud được đăng ký tại Đại lục. “Ông lớn” công nghệ Mỹ đã thực hiện động thái này để tuân thủ các quy định mới nhất của Trung Quốc về dịch vụ đám mây. Luật về an ninh không gian mạng gây tranh cãi, vốn có hiệu lực từ tháng 6.2017, yêu cầu các công ty trong nước phải lưu giữ tất cả dữ liệu ở Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết biện pháp này là cần thiết để giúp ngăn ngừa tội phạm và khủng bố, cũng như bảo vệ sự riêng tư của công dân nước này.
Song, theo ông Deibert, vấn đề của luật bảo vệ không gian mạng nói trên là họ cũng buộc cả các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc phải “chuyển dữ liệu người dùng sang các cơ quan nhà nước theo yêu cầu”.
Ngoài Apple, các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ cũng phải thực hiện bước đi tương tự. Cụ thể, Amazon và Microsoft đã hợp tác với các công ty địa phương để vận hành dịch vụ đám mây của họ ở quốc gia châu Á này.
Apple nói rằng công ty đã phản đổi việc iCloud trở thành đối tượng của luật mới, nhưng không thành công. “Chúng tôi phải lựa chọn hoặc là chuyển dữ liệu tài khoản iCloud theo luật mới, hoặc là phải chấm dứt cung cấp dịch vụ”, một phát ngôn viên của Apple cho hay.
Cuối cùng, Apple quyết định chuyển tài khoản iCloud bởi vì việc cắt giảm dịch vụ “sẽ dẫn đến trải nghiệm người dùng kém và dữ liệu ít được bảo mật hơn cho khách hàng Trung Quốc”. Người dùng Apple thường sử dụng iCloud để lưu trữ dữ liệu như âm nhạc, hình ảnh và địa chỉ liên lạc. Những thông tin này có thể rất nhạy cảm.
Các tổ chức nhân quyền hiện đang lo ngại về khả năng bảo vệ cho người tiêu dùng của Apple trước sự kiểm soát ở Trung Quốc. Apple đã từng đấu tranh cho quyền riêng tư của người dùng ở Mỹ khi công khai phản đối lệnh của một thẩm phán yêu cầu truy cập vào iPhone của một trong số những kẻ khủng bố đã tấn công ở San Bernardino hồi tháng 12.2016. Apple gọi lệnh này là động thái “vượt quá mức của chính phủ Mỹ”. Vào thời điểm đó, giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, cho rằng nếu tuân thủ lệnh này, thì Apple sẽ phải xây dựng “cửa sau cho iPhone… điều mà chúng tôi cho là quá nguy hiểm”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đặt câu hỏi liệu Apple có một lần nữa thực hiện hành động tương tự để cố gắng bảo vệ thông tin iCloud của người dùng ở Trung Quốc, nơi vốn không có quyền bảo mật tương tự như ở Mỹ.
Được biết, Apple đã từ chối trả lời câu hỏi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền một cách trực tiếp, thay vào đó công ty chỉ bày tỏ quan ngại đến thực tế rằng các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng truy cập dữ liệu của người dùng iCloud.
“Apple đã không tạo ra hay yêu cầu xây dựng bất cứ cửa sau nào. Apple sẽ tiếp tục giữ quyền kiểm soát đối với các khóa mã hóa đối với dữ liệu iCloud. Cũng như ở các nước khác, chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu pháp lý về dữ liệu mà chúng tôi có về người dùng cá nhân, chứ không phải là lượng dữ liệu lớn”, phát ngôn viên của Apple nói.
“Trung Quốc là nước có các biện pháp kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ. Người sử dụng Apple tại đây cần lưu ý thêm về các biện pháp phòng ngừa và không nên tùy tiện lưu trữ dữ liệu nhạy cảm trên iCloud của Apple”, ông Deibert khuyên.
Theo Apple, hầu hết người dùng đã chấp nhận hiện trạng mới. Cho đến nay, hơn 99% người dùng iCloud ở Trung Quốc đã chọn tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.