Theo Nikkei, Apple đã thêm nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc BOE Technology vào danh sách các nhà cung cấp màn hình cao cấp cho iPhone mới. Động thái này tạo ra sự thúc đẩy lớn cho tham vọng công nghệ của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời gây thêm áp lực lên các nhà cung cấp như Samsung.
BOE đang sản xuất màn hình OLED cho iPhone 13 tại khu phức hợp Mian Yang ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc |
Nikkei |
Các nguồn thạo tin cho biết, BOE đã bắt đầu xuất xưởng số lượng nhỏ màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) cho iPhone 13 vào cuối tháng trước. Dự kiến các lô hàng đó sẽ sớm gia tăng trong khi chờ quy trình xác minh cuối cùng. Đây là lần đầu tiên BOE cung cấp màn hình OLED cho những chiếc iPhone hàng đầu, mặc dù hãng này trước đây chỉ cung cấp màn hình cho dòng sản phẩm có giá thấp hơn, hoặc cho iPhone đã sửa chữa và tân trang.
“Nền tảng của sự hợp tác giữa Apple và BOE dựa trên dự án trước đó của họ về iPhone 12, và cả hai bên đều muốn điều này sớm diễn ra”, ba người thân cận với vấn đề nói với Nikkei.
BOE ban đầu chia đơn đặt hàng màn hình iPhone 13 6,1 inch với Samsung Display, trong đó thị phần của công ty Trung Quốc chiếm tới 20%. Theo kịch bản lạc quan nhất, BOE đặt mục tiêu giành được 40% đơn đặt hàng cho mẫu điện thoại này từ gã khổng lồ màn hình Hàn Quốc. BOE đang sản xuất màn hình OLED cho iPhone 13 tại khu phức hợp Mian Yang ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi công ty đã sản xuất màn hình OLED cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, Honor, Xiaomi và Vivo.
BOE cũng sản xuất màn hình tinh thể lỏng cho iPad của Apple. Trong nhiều năm, hãng này đã cố gắng thâm nhập vào chuỗi cung ứng iPhone, nhưng màn hình OLED cho iPhone khó chế tạo hơn nhiều so với màn hình LCD.
Sự đột phá của BOE sẽ tăng thêm áp lực lên LG Display và đặc biệt là Samsung Display, thương hiệu đã thống trị nguồn cung màn hình OLED cho iPhone kể từ năm 2017. Việc xuất hiện nhà sản xuất thứ ba sẽ mang lại cho Apple khả năng thương lượng lớn hơn khi đàm phán với các nhà cung cấp Hàn Quốc. Nó cũng đánh dấu thành công cho tham vọng công nghệ lớn của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang thúc đẩy việc nâng cấp năng lực sản xuất của đất nước, và xác định BOE là một đối thủ trong tương lai với Samsung.
Nhiều nhà sản xuất màn hình Nhật Bản và Đài Loan, bao gồm Sharp, Japan Display, Innolux, từ lâu đã mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc. Nguyên nhân là vì không có hãng nào có mặt trong phân khúc OLED cần phải sử dụng rất nhiều vốn. Màn hình tiên tiến đã trở thành một trong những tính năng chủ đạo của điện thoại thông minh cao cấp. Sharp và Japan Display cung cấp màn hình LCD giá cả phải chăng hơn cho iPhone trong nhiều năm. Tuy nhiên, quyết định chuyển hoàn toàn sang màn hình OLED trên điện thoại hàng đầu của Apple hồi năm ngoái đã giáng một đòn nặng nề vào hai công ty này.
Bất chấp tin tốt lành đến với BOE, kế hoạch xuất xưởng màn hình OLED cho iPhone 13 của công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi bất ổn trong chuỗi cung ứng. Theo Nikkei, việc cung cấp điện cho BOE đã được chính quyền địa phương ưu tiên để đảm bảo sản xuất ổn định, nhưng nhiều nhà cung cấp khác đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng mất điện bất ngờ ở một số tỉnh của Trung Quốc, cũng như tình trạng thiếu chip và các linh kiện khác.
Thời gian giao hàng cho iPhone 13 đã bị kéo dài do khan hiếm nguồn cung cấp mô-đun máy ảnh. Các nguồn tin cho biết vẫn còn phải xem liệu BOE có thể cung cấp một lượng OLED với hiệu suất ổn định hay không, vì đây là lần đầu tiên công ty cung cấp OLED cho iPhone mới ra mắt.
Bình luận (0)