Apple ra mắt dịch vụ mua hàng trước, trả tiền sau tại Mỹ

Khánh Như
Khánh Như
29/03/2023 09:15 GMT+7

Bước đi của Apple được dự đoán sẽ phá vỡ thế thống trị của một số ông lớn trong lĩnh vực tài chính công nghệ.

Hãng công nghệ Apple vừa ra mắt dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” với tên gọi “Apple Pay Later” tại Mỹ. Bước đi của Apple được dự đoán sẽ phá vỡ thế thống trị của các công ty tài chính như Affirm Holdings (Mỹ) và công ty thanh toán Klarna (Thụy Điển) trong lĩnh vực fintech (công nghệ kết hợp với tài chính), theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, trong thông báo ngày 28.3, Apple cho biết dịch vụ Apple Pay Later sẽ cho phép người dùng chia nhỏ các giao dịch thành 4 khoản thanh toán trải đều trong 6 tuần mà không tính lãi hoặc phí. 

Apple ra mắt dịch vụ mua hàng trước, trả tiền sau tại Mỹ - Ảnh 1.

Cửa hàng Apple trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, New York, Mỹ

REUTERS

Theo công ty, người dùng có thể nhận khoản vay từ 50 đến 1.000 USD (1,2 đến 23,5 triệu đồng) để mua hàng trực tuyến và thông qua ứng dụng thanh toán của Apple là Apple Pay trên iPhone và iPad. Apple cho biết Hơn 85% các nhà bán lẻ ở Mỹ chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay.

Trong giai đoạn đầu, dịch vụ này sẽ được Apple cung cấp cho một số người dùng được chọn, và hướng tới kế hoạch triển khai toàn diện cho tất cả những người đủ điều kiện trong những tháng tới, theo đài CNBC News.

Ông Danni Hewson, Giám đốc bộ phận phân tích tài chính tại công ty AJ Bell (Anh) dự đoán: "Apple Pay Later sẽ hoàn toàn vượt qua một số đối thủ. Các công ty khác sẽ cẩn trọng trước thông báo của Apple vì đây là một thương hiệu nổi tiếng. Apple sẽ lấy đi thị phần của các đối thủ".

Vào năm 2020, các lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã hướng người dùng sang các nền tảng thanh toán trực tuyến. Từ đó, các công ty công nghệ tài chính đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ mua trước trả sau cho khách hàng, đặc biệt là cho những người trẻ.

Apple sẽ sản xuất Apple Watch và MacBook ở Việt Nam?

Một số gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số bao gồm PayPal và Block Inc đã lấn sân sang lĩnh vực này thông qua việc mua lại dịch vụ từ các công ty khác, trong khi giá trị cổ phiếu của Affirm hiện đang được niêm yết ở mức hàng tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.