Apple, Samsung và Sony đã làm thế nào để giúp smartphone không bị hư khi ngâm nước?

23/09/2016 09:06 GMT+7

Nhiều smartphone cao cấp hiện nay có thể sống sót khi ngâm mình trong hồ bơi một khoảng thời gian. Nhưng làm thế nào để các nhà sản xuất làm điều này?

Với khả năng kháng nước, bạn có thể nhanh chóng rửa sạch điện thoại khi bị vết bẩn bám vào, kiểm tra email ngay dưới trời mưa, nghe nhạc khi đang tắm…
Đó là tính năng tuyệt vời, nhưng điều gì đã giúp cho điện thoại kháng nước? Hiệu quả kháng nước ra sao? Ưu và nhược điểm của tính năng kháng nước để đảm bảo thiết bị luôn an toàn? Dưới đây là những giải thích rõ hơn từ CNET.
Cách kháng nước của điện thoại
Điện thoại có rất nhiều khe rãnh để nước chui vào bên trong, như các cổng, nút vật lý, lưới tản nhiệt loa hay lỗ micro. Đó là chưa kể đến khoảng cách khổng lồ giữa khung với màn hình. Đây là những yếu tố đặc biệt khó khăn cho khả năng kháng nước của điện thoại.
Vì vậy các nhà sản xuất đã sử dụng một kỹ thuật đáng ngạc nhiên, đó là keo dính, miếng đệm hoặc chất kết dính nhằm mục đích che kín các khe hở. Điều này có thể được phát hiện thông qua các màn tháo dỡ những chiếc điện thoại chịu nước, nơi bạn sẽ thấy một chất dính dày xung quanh màn hình với khung máy.
Keo dính, đệm hoặc chất kết dính được sử dụng để ngăn nước tràn sâu vào bên trong
Các nhà sản xuất cũng sử dụng keo dính ở mặt sau các cổng, và đôi khi ngay trên các mạch tiếp xúc. Nhưng keo không phải là tất cả khi các nhà sản xuất sử dụng thêm những miếng đệm cao su nhằm giúp các thành phần gắn chặt với bề mặt bên trong để không tạo ra khe hở cho nước thấm vào.
Bạn sẽ tìm thấy các vòng cao su xung quanh jack cắm tai nghe điện thoại và cổng sạc, cùng với miếng đệm cao su nhỏ xung quanh khay thẻ SIM. Thậm chí, Apple còn sử dụng những vòng cao su bao quanh một số cáp kết nối như là cách nâng cao khả năng kháng nước.
Với các nút vật lý, các nhà sản xuất có thể sử dụng nhựa silicone, hoàn toàn tách phần vật lý với các mạch điện bên trong. Nó giống như việc bạn bọc đôi giày với một túi nhựa trước khi đặt chân vào khu vực ẩm ướt.
Vẫn có khoảng không
Điều quan trọng là một vài bộ phận điện thoại không hoàn toàn kín. Loa và micro cần khoảng không để truyền âm thanh ra ngoài. Thêm vào đó, nếu một điện thoại hoàn toàn kín, áp lực bên trong nó có thể không bằng với bên ngoài, gây áp lực vào keo dính khiến nước thấm vào bên trong.
Những thành phần như loa hay micro đều cần đảm bảo không khí truyền qua
Vậy làm thế nào để đẩy được nước ra ngoài khi bị thấm nước? Nhiều nhà sản xuất đặt một màng lưới ở phía trước loa và micro như là cách để không cho nước tràn vào. Trong một số trường hợp, họ sử dụng phương pháp tạo áp lực để thông khí. Thay vì màng lưới, họ đặt màng chống thấm (ePTFE) để không khí đi qua và tạo cân bằng áp suất.
Một số nhà sản xuất như Samsung thậm chí còn bảo vệ cổng sạc bằng cách tự động đẩy nước ra và sử dụng kim loại chống ăn mòn (như niken) để tránh bị rỉ khi tiếp xúc với nước.
Chưa thực sự hoàn hảo
Vấn đề là không giải pháp nào được liệt kê phía trên đủ để giữ nước không bao giờ xâm nhập điện thoại, bởi chỉ cần đủ áp lực, nước sẽ tràn vào. Đó là lý do tại sao Apple, Samsung và Sony chỉ dừng lại ở cụm từ “kháng nước” thay vì “chống thấm nước”.
Một vấn đề khác đó là khi điện thoại tiếp xúc với nước chứa hóa chất - như muối sẽ làm hỏng điện thoại. Đó là lý do vì sao một điện thoại Xperia Z của Sony từng bị hỏng và thậm chí rỉ sét sau khi ngâm trong hồ bơi có chứa muối - có thể ăn mòn và làm hỏng phần keo dính của điện thoại.
Những smartphone kháng nước rất dị ứng với nước có chứa hóa chất
Ngay sau đó Sony đã khuyến cáo mọi người tránh để điện thoại tiếp xúc với muối. Theo công ty, khả năng kháng nước của điện thoại chỉ được áp dụng đối với hồ bơi nước ngọt clo (không muối), với đánh giá IPX8. Sau khi để ngâm nước, bạn cần phải rửa sạch clo bằng nước sạch.
Nhìn chung, khi một điện thoại có khả năng kháng nước có nghĩa là nó có thể chịu được một lượng nước nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, phụ thuộc vào bảng xếp hạng IP về tiêu chuẩn chống nước.
Không có trong chính sách bảo hành
Cuối cùng, mặc dù các công ty cho biết điện thoại của họ có khả năng kháng nước, nhưng không công ty nào áp dụng chính sách bảo hành chống lại các thiệt hại về nước đối với điện thoại.
Thực tế là Apple, Sony và Samsung đều nói rõ rằng thiệt hại vì nước không được bảo hành. Thêm vào đó, các công ty này đặt miếng dán nhỏ bên trong điện thoại có khả năng đổi màu khi tiếp xúc với nước, do đó họ có thể nhận biết được sự cố điện thoại có bị gây ra bởi nước thấm vào máy hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.