Argentina khóc thương Nestor Kirchner

28/10/2010 17:46 GMT+7

(TNO) Cái chết đột ngột của Nestor Kirchner - cựu tổng thống và cũng là đệ nhất phu quân Argentina đã gây sốc không những ở quê nhà mà còn ở nhiều nước châu Mỹ La-tinh. Tổng thống Venezuela thậm chí tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ nhà lãnh đạo nước bạn. >>> Cựu tổng thống Argentina qua đời

Nhà lãnh đạo “nhanh tay”

Chức thị trưởng Rio Gallegos là cột mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của Nestor Kirchner, người đã nhanh chóng bỏ nghề luật sư để nhảy vào lĩnh vực công khi chính quyền quân sự sụp đổ tại Argentina vào năm 1983.

Đến thời điểm 1991, ông trở thành tỉnh trưởng Santa Cruz và tái đắc cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.

 
Hàng ngàn người đổ ra trước dinh tổng thống để khóc thương ông Nestor Kirchner - Ảnh: Reuters

Khả năng tài chính khôn khéo đã đưa người đứng đầu một tỉnh lẻ lên chính trường cấp quốc gia: khi Argentina buộc phải tuyên bố phá giá đồng nội tệ giữa cơn bão khủng hoảng tài chính vào năm 2001, Kirchner đã kịp chuyển vào các ngân hàng Thụy Sĩ hàng triệu dollar thu được từ quá trình tư hữu hóa các công ty dầu khí ở tỉnh nhà, né được cơn lốc khủng khiếp, vốn đã thổi bay 2/3 tài sản của hầu hết người dân.

Tổng giá trị số tiền đó, cùng với việc nó đã được trả về đầy đủ cho Argentina hay chưa trở thành đề tài tranh cãi từ đó tới nay. Tuy nhiên, động thái nhanh nhẹn kể trên đã nâng cao uy tín của Kirchner. Trong mắt mọi người, ông là một chính trị gia quyết đoán, khôn ngoan và lanh lẹ, có khả năng bảo vệ người dân. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đưa ông lên bệ cao nhất của chính trường trong bối cảnh hàng loạt tổng thống Argentina đã phải liên tục ngậm ngùi ra đi trước thời hạn dưới sức ép từ các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng.

Kirchner đắc cử tổng thống năm 2003 giữa lúc Argentina đang "toát mồi hôi hột", cố thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông chỉ được 22% phiếu bầu trong vòng 1 cuộc bầu cử nhưng đã bước thẳng vào dinh tổng thống. Đối thủ của ông đã bỏ cuộc trước khi vòng 2 được tổ chức.

Kirchner mau chóng tái lập quyền lực của tổng thống, trở thành một lãnh đạo nổi bật trong khu vực Mỹ La-tinh, hủy bỏ cơ chế “nghe lời” Washington trong các chính sách tài chính cũng như tự do mậu dịch, kiểm soát chặt dòng lưu chuyển của tiền tệ và hàng hóa ra vào Argentina.

Lên nắm quyền giữa lúc nền kinh tế đang ngắc ngoải, trong nhiệm kỳ của Kirchner, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình hơn 8%/năm, cho phép Argentina trả được 9 tỉ USD mà trước đó phải chìa tay vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tổ chức mà Kirchner chỉ trích là chuyên đưa ra các chỉ dẫn làm xói mòn các nền kinh tế trên toàn cầu.

Dọn đường cho vợ

Bỗng dưng, giữa đỉnh điểm của vinh quang, Kirchner bước qua một bên, mở đường cho phu nhân của mình, bà Cristina Fernandez ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp, nơi lẽ ra ghi dấu chiến thắng lần 2 của ông. Đó là vào năm 2007. Không ai có thể phủ nhận rằng uy tín của Kirchner đã giúp Fernandez giành được rất nhiều phiếu bầu, nhất là từ tầng lớp lao động đã được hưởng lợi từ các chính sách dân túy của Kirchner.

 
Từ nay, bên cạnh Tổng thống Cristina Fernandez sẽ thiếu vắng bóng hình của người bạn đời lâu năm - Ảnh: Reuters

Tháng 12.2007, cả thế giới chứng kiến một giây phút hết sức đặc biệt: bà Cristina Fernandez nhận chức vụ tổng thống Argentina từ tay chồng mình.

Kirchner có lúc đã nói đùa rằng từ đây, ông chỉ việc la cà ở các quán cà phê mà tán dóc. Đó quả là một lời nói đùa: dù bị bệnh tim nghiêm trọng phải đại phẫu 2 lần chỉ trong năm nay, Kirchner vẫn là một chính trị gia năng nổ: vẫn không chịu rời khỏi ghế dân biểu, vẫn không chịu rút khỏi cương vị tổng thư ký của Unasur, tổ chức của các nước nam Mỹ. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, Kirchner vẫn duy trì vai trò “cố vấn đặc biệt” cho vợ, giúp bà Fernandez - hay nói chính xác hơn là giúp 2 vợ chồng - vẫn có thể duy trì được chính phủ dù đảng cầm quyền đã để mất thế đa số ở cả 2 viện của quốc hội.

 Ông ấy là người đã hy sinh cả cuộc đời vì lợi ích cộng đồng cho cả thế giới này
Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera
Thêm một điều quan trọng khác: thông qua tất cả những hoạt động chính trị năng nổ trên, Kirchner vẫn đang hàng ngày vận động tích cực cho chiến dịch tranh cử tổng thống lần tới - sự kiện mà dư luận thời gian qua đoán già đoán non không biết người nào trong 2 vợ chồng Kirchner sẽ ở “chiếu trên”.

Bây giờ, với sự ra đi đột ngột của Kirchner, câu trả lời đã rõ: quả phụ Fernandez sẽ phải tự thân vận động, thiếu đi hình bóng quen thuộc của người bạn đời của mình.

Tán dương và chỉ trích

Nước cờ của vợ chồng Kirchner được nhiều người thuộc tầng lớp lao động ủng hộ, hy vọng sự kéo dài của “đế chế” Kirchner sẽ là sự kéo dài quyền lợi cho họ.

Một trong những lời hứa mới nhất trong chiến dịch vận động tranh cử của Kirchner là hậu thuẫn cho một chiến dịch của người lao động, nhằm buộc tất cả các doanh nghiệp lớn phải chuyển 10% lợi nhuận cho nghiệp đoàn.

“Sau Juan Peron và Eva Peron, chưa từng có ai làm được nhiều điều cho người lao động như Nestor Kirchner”, lãnh đạo của nghiệp đoàn lớn nhất Argentina đã nói như thế.


 Hòa trong đám đông tưởng nhớ Kirchner có cả các thiếu niên - Ảnh: Reuters

Sự ra đi của Kirchner đã gây sốc trên khắp Argentina. Hàng ngàn người đã đổ ra con đường trước dinh tổng thống trong đêm qua để khóc thương ông.

Hãng thông tấn AP dẫn lời một trong số đó - Juan Pablo Mazzieri: “Ông ấy là người đầu tiên trong nền dân chủ của chúng tôi đã đưa chính trị hướng về phía người lao động và dân chúng. Đó là lý do vì sao có quá nhiều người ở đây”.

Tuy nhiên, toan tính luân phiên nhau làm tổng thống của vợ chồng Kirchner đã gặp nhiều chỉ trích, cho rằng đó là mưu mô lách luật của kẻ độc tài.

Ngoài ra, trong suốt thời gian cầm quyền, Kirchner đã khiến cho nhiều nhà đầu tư nổi giận với các chính sách kinh tế không chính quy của mình.

Thị trường chứng khoán Argentina đóng cửa trong ngày hôm qua nên chưa thể ghi nhận phản ứng, nhưng trái phiếu nhà nước lập tức lên giá sau khi tin ông qua đời được loan đi.

Ngoài ra, vợ chồng Kirchner cũng bị chỉ trích là thu lợi cá nhân nhờ những ảnh hưởng của mình lên các chính quyền địa phương - cáo buộc mà Kirchner bác bỏ.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Kirchner cũng là một lãnh đạo rất đặc biệt đã đem lại nhiều thay đổi tích cực ở Argentina, cùng lúc có nhiều ảnh hưởng lên cả khu vực Nam Mỹ.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.