Argentina vỡ nợ lần thứ 2, cáo buộc chủ nợ Mỹ tham lam

31/07/2014 17:25 GMT+7

(TNO) Argentina vào ngày 31.7 đã lâm vào tình trạng vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm qua sau khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ nước này với các chủ nợ Mỹ thất bại.

(TNO) Argentina vào ngày 31.7 đã lâm vào tình trạng vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm qua sau khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ nước này với các chủ nợ Mỹ thất bại.


Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof họp báo tại Mỹ hôm 30.7 - Ảnh: Reuters

Chỉ vài giờ sau các cuộc họp tại Mỹ vào hôm 30.7, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof ra tuyên bố xác nhận đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, theo AFP.

Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ 3 châu Mỹ La Tinh đã không thể trả nợ theo đúng thời hạn đề ra, tức là hết ngày 30.7.

“Không may là đã không có thỏa thuận nào đạt được và ngay tức khắc Argentina rơi vào tình trạng vỡ nợ”, ông Daniel Pollack, luật sư do một tòa án Mỹ chỉ định để giám sát các vòng đàm phán, cho biết.

Ông Kicillof than phiền rằng các chủ nợ Mỹ đã không chịu thỏa hiệp với chính phủ Argentina và gọi nhóm chủ nợ này là “kền kền”.

Các chủ nợ của Argentina chủ yếu là các quỹ đầu tư của Mỹ từng mua nợ công quốc gia nước này trong lần vỡ nợ đầu tiên và giờ đã đâm đơn ra tòa yêu cầu chính phủ Argentina phải thanh toán toàn bộ cả gốc lẫn lãi, theo AFP.

Bộ trưởng kinh tế Argentina cũng cho biết nước này không thể bị coi là vỡ nợ vì tiền để thanh toán hiện đang nằm trong tài khoản ngân hàng Mỹ, nhưng đã bị đóng băng theo lệnh của Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa.

“Argentina đã trả nợ. Chúng tôi có tiền. Và sắp trả tiếp. Người chịu trách nhiệm cho tình huống này là Thẩm phán Griesa”, ông Kicillof cho hay. “Chúng tôi sẽ trả cho những ai nắm giữ trái phiếu theo những điều kiện hợp lý, chứ không phải theo những điều khoản được tạo ra để tống tiền, được tạo ra dưới áp lực và đe dọa”.

Ngày 30.7 là hạn chót Argentina phải trả một khoản nợ trị giá 539 triệu USD cho những chủ nợ đã chấp nhận giảm bớt tiền nợ trong thỏa thuận đạt được hồi năm 2005 và 2010.

Các thỏa thuận giảm nợ đã được ký kết sau lần vỡ nợ đầu tiên của Argentina, AFP cho hay.

Argentina đã gửi khoản tiền nói trên vào một tài khoản ngân hàng có ngày đáo hạn vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên, cùng thời điểm nói trên, Thẩm phán Mỹ Griesa đã ra lệnh phong tỏa tài sản này cho đến khi Argentina có thể trả dứt một khoản nợ khác trị giá lên đến 1,3 tỉ USD cho 2 quỹ đầu tư Mỹ không chịu thỏa thuận gia hạn thời gian thanh toán.

Cả hai quỹ đầu tư này, gồm NML Capital và Aurelius Capital Management, đã cùng ngồi lại đàm phán trong 2 ngày vừa qua tại thành phố New York, với ông Pollack được chỉ định là trung gian, nhằm cùng tìm ra giải pháp chung, nhưng không thành.

“Chúng tôi đưa ra cho họ mức lãi suất lên đến 300%. Nhưng đề nghị này bị bác vì họ muốn hơn thế nữa và họ muốn được trả ngay bây giờ”, ông Kicillof cho biết sau cuộc gặp.


Người biểu tình Argentina đốt vỏ xe tại một vùng ngoại ô thủ đô Buenos Aires để phản đối các chính sách cắt giảm việc làm của chính phủ vào hôm 30.7 - Ảnh: Reuters

Standard & Poor’s, một trong số những tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu của Mỹ, đã xếp Argentina vào hạng “vỡ nợ một phần” sau khi các cuộc đàm phán kết thúc.

Báo chí Argentina đưa tin một giải pháp tạm thời - theo đó, một liên minh các ngân hàng tư nhân Argentin bỏ tiền mua lại một số khoản nợ công – đang được chuẩn bị, nhưng từ giờ đến đó nước này vẫn trong tình trạng vỡ nợ, theo AFP.

Các nhà phân tích cảnh báo việc lâm vào tình trạng vỡ nợ sẽ khiến nền kinh tế Argentina càng trở nên bất ổn, lạm phát càng tăng cao và nhiều khả năng đồng peso sẽ càng mất giá.

Lạm phát tại Argentina đã ở mức 15% trong nửa đầu năm 2014 và đồng peso đã mất giá 20% trong tháng 1, theo AFP.

Hoàng Uy

>> Tổng thống Putin sẽ thăm Cuba, Argentina và Brazil
>> Trùm phát xít Hitler từng đi tàu ngầm trốn sang Argentina?
>> Giáo hoàng Francis vẫn dùng hộ chiếu Argentina
>> Tuần văn hóa Argentina tại VN  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.