ICC, có trụ sở tại Hague (Hà Lan), hồi tháng 3.2023 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cáo buộc đưa trẻ em sang Nga một cách bất hợp pháp.
Ông Yeghishe Kirakosyan, đại diện chính thức của Armenia về các vấn đề pháp lý quốc tế, nói với AFP rằng "quy chế Rome của ICC chính thức có hiệu lực đối với Armenia vào ngày 1.2". Theo đó, Yerevan hiện có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đặt chân lên lãnh thổ Armenia.
Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 10.2023 đã gọi việc Armenia phê chuẩn Quy chế Rome thành lập ICC là một "quyết định sai lầm", còn Bộ Ngoại giao Nga gọi đó là "bước đi không thân thiện".
Armenia là nơi có căn cứ quân sự thường trực của Nga và là một phần của liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Điện Kremlin, nói rằng quyết định mới không nhắm vào Nga.
Ông Kirakosyan nhấn mạnh: "Việc gia nhập ICC mang lại cho Armenia những công cụ quan trọng để ngăn chặn tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trên lãnh thổ của mình. Trước hết, điều này liên quan đến Azerbaijan".
Tuy nhiên, động thái của Armenia cho thấy khoảng cách ngày càng tăng giữa Moscow và Yerevan. Armenia đã tỏ ra giận dữ khi cho rằng Nga đã không hành động trước cuộc đối đầu lâu dài của Armenia với Azerbaijan.
Azerbaijan và Armenia đã xảy ra hai cuộc chiến tranh ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. Azerbaijan đã giành lại Nagorno-Karabakh vào tháng 9.2023 sau cuộc tấn công chớp nhoáng chống lại phe ly khai người dân tộc Armenia, vốn đã kiểm soát khu vực này trong ba thập niên.
Nhà phân tích độc lập Vigen Hakobyan nhận định với AFP: "Armenia hy vọng rằng bằng cách gia nhập ICC, bằng cách thực hiện một bước đi nhạy cảm như thế đối với Nga, họ có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ phương Tây. Nhưng rõ ràng là họ đã làm căng thẳng mối quan hệ với Nga mà lại không nhận được sự đảm bảo an ninh thực sự từ phương Tây".
Armenia đã ký Quy chế Rome vào năm 1999 nhưng không phê chuẩn với lý do quy chế mâu thuẫn với hiến pháp nước này. Vào tháng 3.2023, Tòa án hiến pháp Armenia cho hay những trở ngại đó đã được dỡ bỏ sau khi Armenia thông qua hiến pháp mới vào năm 2015
Bình luận (0)