Việc tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng khiến ASEAN trở thành khu vực có triển vọng phát triển dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế và nhận định của các chuyên gia, nỗ lực hiện nay của các nước trong khu vực vẫn bị xem là “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu.
Thiếu hơn 1.100 tỉ USD
9 giờ sáng một ngày giữa tuần, chị Phương Thảo (ngụ Q.7, TP.HCM) đầm đìa mồ hôi nhích từng chút trong dòng người đông nghẹt trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM). “Khoảng 3 - 5 năm trước, chỉ cần tôi đi làm sớm một chút lúc 7 giờ 30 hoặc trễ một chút vào lúc 9 giờ là đường phố đã thoáng đãng, chạy vèo vèo. Còn nay tôi thường xuyên rơi vào “trận đồ bát quái” kẹt xe trên rất nhiều tuyến đường”, chị Thảo lắc đầu than thở.
Đó cũng là trải nghiệm chung của bất cứ ai phải ra đường vào giờ cao điểm ở TP.HCM, Manila hay Jakarta, và kẹt xe cũng chỉ là một trong những biểu hiện của tình trạng cơ sở hạ tầng tại ASEAN. Theo báo cáo “Góc nhìn ASEAN” của HSBC mới đây, hạ tầng yếu kém đã kiềm hãm tăng trưởng kinh tế của khu vực trong những năm qua và khiến các thành viên rơi vào thế bất lợi so với các nước châu Á khác.
HSBC ước tính 6 nền kinh tế năng động hàng đầu ASEAN, bao gồm VN, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore cần khoảng 2.100 tỉ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2030. Cụ thể, nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đến năm 2030 của VN là 259 tỉ USD, của Thái Lan là 153 tỉ USD, Philippines là 376 tỉ USD, Malaysia là 109 tỉ USD, Indonesia là 1.162 tỉ USD và Singapore là 5 tỉ USD. Theo HSBC, với xu hướng chi tiêu hiện tại, nếu giữ ổn định trong thời gian tới, sẽ chỉ đáp ứng được 910 tỉ USD, nghĩa là vẫn còn thiếu tới 1.190 tỉ USD.
Vai trò của khối tư nhân
Do báo cáo tài chính của các quốc gia không đồng nhất trên cùng một hệ thống nên khó có sự so sánh trực tiếp. Vì vậy, HSBC chỉ tính toán chi tiêu dành cho hạ tầng cứng như đường sá, đường sắt, sân bay, các dự án về năng lượng, cấp nước..., không đề cập đầu tư thiết bị công và hạ tầng mềm như chi tiêu cho nghiên cứu hoặc xã hội. Theo báo cáo “Góc nhìn ASEAN”, tại các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp như Indonesia, VN và Philippines, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nên chiếm ít nhất 5% GDP. Trong đó, chỉ có VN là thực hiện ổn định nguyên tắc này, phần nào phản ánh thực tế VN đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và là quốc gia duy nhất tăng trưởng thị phần xuất khẩu trong những quý gần đây. Chi tiêu tại Philippines và Indonesia cũng đang có xu hướng tăng. Chính quyền Manila đặt ra mục tiêu dành 5,2% GDP trong ngân sách 2017 cho đầu tư cơ sở hạ tầng và kỳ vọng sẽ tăng lên 7% trong những năm tiếp theo.
VN đã kiên trì dùng một nguồn vốn rất lớn để đầu tư cho hạ tầng giao thông trên 5% GDP trong cả thập niên qua. Tuy nhiên, VN bị đánh giá là có tình hình tài chính đang khá căng thẳng và ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng có nguy cơ bị cắt giảm. Hơn nữa, tài khoản vãng lai của VN có thể bị thâm hụt. Do đó, theo các chuyên gia, VN cần gấp rút tạo ra môi trường hoạt động tốt hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khu vực tư nhân tham gia các dự án cơ sở hạ tầng.
Nhìn vào đóng góp hiện tại của khối tư nhân trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng là khá nhỏ, chủ yếu tập trung vào mảng công nghệ thông tin viễn thông và điện lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VN có bước tiến xa nhất trong việc hình thành cơ chế hỗ trợ các dự án PPP. Chính phủ đã xây dựng một văn phòng PPP, hình thành ban chỉ đạo liên bộ và có sự tài trợ bước đầu. Mặc dù cần một vài năm nữa để có được các dự án PPP phù hợp, vẫn còn có những kênh khác mà VN sử dụng để khuyến khích đầu tư tư nhân, như thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là các tổ chức đang kiểm soát những công ty xây dựng và hạ tầng. “Một trong những việc VN cần làm là đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng. Quan trọng là phát triển một chương trình hợp tác công tư PPP hiệu quả để lấy vốn cho hạ tầng”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Mặt khác, mục tiêu tự do hóa thị trường tài chính của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có thể mang lại nhiều triển vọng cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Những chương trình như Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (Asia Bond Market) có thể giúp đẩy mạnh sự hợp nhất và phát triển thị trường trái phiếu trong khu vực, cải thiện dòng vốn cho cơ sở hạ tầng. Vấn đề hiện nay là các quốc gia cần nhiều vốn phát triển đầu tư hạ tầng như Indonesia, Philippines, VN lại có thị trường trái phiếu khá nhỏ.
Bình luận (0)