Năm 2015 là năm đầu tiên Indonesia vượt mặt nhiều nước để vươn lên dẫn đầu trong khối ASEAN về thu hút vốn FDI, VN đứng thứ hai. Tuy chỉ cách nhau 1 bậc nhưng số vốn FDI của hai quốc gia chênh lệch rất lớn. Trong khi VN được 22,7 tỉ USD thì Indonesia đã thu hút được 38,5 tỉ USD.
Rất nhiều “điểm sáng”
Thực tế, làn sóng FDI vào khu vực ASEAN đã tăng mạnh từ 3 năm trước. Năm 2013, thu hút vốn FDI vào khu vực ASEAN bắt đầu tăng qua mặt Trung Quốc và từ đó đến nay, liên tục trở thành khu vực thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tiến trình hội nhập mạnh mẽ tiến tới việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN là hấp lực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng vì thế, cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khối ASEAN càng trở nên gay gắt hơn. Nếu như cách đây 20 năm, VN là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác vì nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi lớn, tài nguyên phong phú thì nay các lợi thế này dần dần không còn nữa. Trong khi đó, Indonesia được xem là còn kém VN về trình độ lao động cũng như độ ổn định môi trường, nhưng các yếu tố này có thể sẽ được khắc phục nhanh.
Chuyên gia tư vấn đầu tư Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị, nhận định Indonesia vẫn là đối thủ đáng gờm của VN trong cuộc chiến thu hút FDI. “Quốc gia này đông dân, lại vừa có cuộc cải tổ mạnh mẽ về môi trường đầu tư, minh bạch thông tin, cải cách hành chính quyết liệt, độ tuổi trung bình dân số trẻ... đang có sức hấp dẫn cực lớn cho nhiều nhà đầu tư đến từ châu Á lẫn các nước phương Tây. Dự báo thu hút FDI của Indonesia sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 này. Thái Lan cũng là đối thủ nặng ký bởi sức mua ở thị trường này rất lớn. Trong khi các trung tâm thương mại của VN vắng hoe vào những ngày trong tuần thì tại Thái Lan luôn tấp nập kẻ bán người mua. Bên cạnh đó, xuất khẩu của họ cũng rất lớn. Đã có thời điểm Thái Lan bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị, song chủ yếu là ngành du lịch, còn các hoạt động thương mại và sản xuất xuất khẩu của họ vẫn tấp nập”, ông Hòa phân tích.
Philippines cũng được nhận diện là quốc gia có khả năng cạnh tranh mạnh do có lực lượng lao động chất lượng cao, khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Đó là chưa kể chi phí trả cho lương công nhân, nhà ở và thực phẩm tại đây cũng khá thấp. Còn Myanmar, với chính sách cải cách mới, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh theo hướng thị trường sẽ hứa hẹn một thị trường lớn với dân số gần 65 triệu dân. Nếu xét về yếu tố chi phí lương thấp, không chỉ Myanmar, mà cả Campuchia, Lào cũng đang là đối thủ cạnh tranh nhân công gia công đối với VN cho các ngành hàng xuất khẩu.
Cải thiện mạnh về hạ tầng, thủ tục hành chính
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, so với các quốc gia nêu trên, VN vẫn có một số lợi thế trong cạnh tranh thu hút FDI như môi trường xã hội an ninh, lực lượng lao động có tay nghề với chi phí khá thấp, hạ tầng đang được đầu tư khá tốt như năng lượng, cảng, đường giao thông; có thị trường tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, VN cũng đang hội nhập sâu rộng và là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương.
Trong khi đó, ông Đỗ Hòa cho rằng những lợi thế nói trên cũng chỉ mang tính tương đối mà các nước như Indonesia, Philippines cũng đang tích cực cải thiện. “Ví dụ năng suất lao động VN dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn thấp, ở mức trung bình của khối ASEAN, mới tiệm cận các nước Indonesia và Philippines; chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái. Do vậy, VN vẫn còn nhiều thứ cần phải cải thiện như: còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi; điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được; nguồn nhân lực qua đào tạo thiếu và yếu; công nghiệp phụ trợ manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu...”, ông Hòa nói.
Nhiều chuyên gia cùng nhận định rằng, để thu hút mạnh hơn vốn FDI, VN chỉ còn giải pháp là tập trung đầu tư tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là thủ tục hành chính, đồng bộ từ chính sách đến hạ tầng, giao thông. Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng và tập trung thu hút nguồn vốn từ Mỹ, Nhật Bản. Đây là nguồn vốn lâu dài với các dự án sản xuất hàng hóa chất lượng cao, không thâm dụng nguồn lao động cũng như tạo được đầu ra cho hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, thu hút vốn trong nội khối ASEAN cũng cần được đẩy mạnh để tận dụng cơ hội xuất khẩu, tiêu thụ từ thị trường chung nội khối.
Bình luận (0)