Ngày 1.7, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Brunei, ASEAN đã tiến hành một loạt cuộc họp với từng đối tác đối thoại, gồm Úc, Canada, EU, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các hội nghị và đồng chủ trì Hội nghị ASEAN - EU trong vai trò đại diện quốc gia điều phối quan hệ này. Bên cạnh đó, 5 nước thuộc Tiểu vùng Mê Kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar cũng họp riêng với Mỹ và “Những người bạn” ủng hộ Sáng kiến Mê Kông.
Trao đổi vào cuối ngày với Thanh Niên, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch là những trọng tâm của các hợp tác. Bên cạnh đó, “các đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015, cũng như đẩy mạnh liên kết và kết nối”, ông nói. Tại các hội nghị trên, các đối tác cũng khẳng định cần sớm có Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) và mong đợi ASEAN cùng Trung Quốc sớm đàm phán chính thức về COC.
|
Quan tâm an ninh toàn cầu
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Brunei vào sáng sớm 1.7 với lịch trình dày đặc. Phát biểu tại Hội nghị ASEAN - Mỹ, ông Kerry nói châu Á sẽ là nơi “viết nên một phần đáng kể của lịch sử thế kỷ 21”, trong đó Đông Nam Á góp phần rất lớn. “Đó là lý do Mỹ tin rằng quan hệ của mình với ASEAN có tầm quan trọng cao nhất”, ông nói. Tầm quan trọng đó thể hiện ở 3 mặt: cơ hội kinh tế, an ninh - chính trị và các mối quan hệ nhân dân. Trong đó, an ninh - chính trị là quan tâm hàng đầu của Mỹ, bởi 2 vấn đề lớn: an ninh biển và an ninh mạng.
“An ninh biển là mối bận tâm lớn bởi khu vực bao gồm những cảng biển sầm uất nhất và những tuyến hải hành huyết mạch nhất của thế giới. Việc gì xảy ra ở đây đều ảnh hưởng đến Mỹ, ảnh hưởng cộng đồng toàn cầu”, ông Kerry lý giải. Với lập trường không khác trước, Ngoại trưởng Kerry khẳng định: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại chính đang không bị ngăn trở và quyền tự do lưu thông ở biển Đông”. “Chúng tôi hy vọng sớm nhìn thấy tiến bộ trong việc xây dựng một COC thật sự có giá trị nhằm bảo đảm ổn định trong khu vực trọng yếu này”, ông nói thêm. Ông cũng khẳng định rằng Mỹ và cá nhân ông trong vai trò ngoại trưởng sẽ tăng cường nỗ lực để góp phần giúp Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Trong cuộc họp báo sau đó, Ngoại trưởng Kerry cũng cho biết, ông đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để bàn về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Dự kiến trong ngày 2.7, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp song phương với một số bên để bàn cách giải quyết khủng hoảng Syria. An ninh biển, an ninh mạng, vấn đề bán đảo Triều Tiên và vấn đề Syria đều sẽ được đề cập tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ông Kerry cho biết.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc liệu nhiều vấn đề an ninh ngoài khu vực được đề cập tại ARF như vậy có làm “loãng” những mối quan tâm chính của ASEAN, Tổng thư ký Lê Lương Minh khẳng định “Không”. “Điều quan trọng nhất là ASEAN phải giữ vai trò trung tâm. Đó là yếu tố quan trọng nhất để ASEAN giữ vai trò điều phối các hoạt động của mình trong tất cả các cơ chế ASEAN+ và các cơ chế khu vực”, ông nói.
Trong ngày 1.7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp song phương với những người đồng cấp Singapore, Đông Timor, Bangladesh, Mông Cổ, Úc và đại diện EU Catherine Ashton. Hôm nay, ngày kết thúc, bên cạnh hai hội nghị quan trọng là ARF và EAS với 8 đối tác cường quốc, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng sẽ gặp song phương những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. |
Thục Minh
(từ Brunei)
>> ASEAN đẩy mạnh thương thảo về biển Đông
>> Khói bụi Indonesia làm nóng Hội nghị ASEAN
>> Trải nghiệm văn hóa Thái Lan tại Hội trại thanh niên ASEAN
>> ASEAN và những mục tiêu lớn lao
>> Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thăm các nước ASEAN
>> Singapore, Malaysia muốn ASEAN họp sớm về khói bụi
>> Đa sắc màu nghệ thuật ASEAN - Hàn Quốc
Bình luận (0)