Trưa 4.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Jakarta (Indonesia). Chiều cùng ngày, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023.
ASEAN - "một cực trong thế giới đa cực"
Đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN và hỗ trợ tích cực của nước chủ nhà Indonesia, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua, ASEAN BIS đã phát huy vai trò là diễn đàn lớn nhất của doanh nghiệp (DN) trong khu vực. Thực hiện đối thoại công - tư, đề ra các chiến lược, giải pháp nhằm vượt qua thách thức, mang lại lợi ích lâu dài cho DN và người dân trong khu vực, để cùng nhau chia sẻ, hợp tác, cùng nhau chiến thắng.
Nhấn mạnh đến khó khăn chung của kinh tế thế giới khi vừa trải qua đại dịch Covid-19 lại tiếp đến chiến tranh, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính thì DN và người dân gặp nhiều khó khăn. Lạm phát cao, tăng trưởng thấp hay còn gọi là "cơn gió ngược", nhiều vấn đề ảnh hưởng đến an ninh lương thực, năng lượng. Thủ tướng cũng chia sẻ với cộng đồng DN lúc thuận lợi không quá lạc quan, lúc khó khăn không quá bi quan.
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, sáng tạo bắt nguồn từ văn hóa. Những yếu tố đó có lẽ cộng đồng ASEAN đều có nhưng cần phát huy cao nhất để có nguồn lực, động lực, sức mạnh cùng nhau đoàn kết đưa ASEAN phát triển nhanh, bền vững", Thủ tướng chia sẻ.
Đánh giá về vị thế của ASEAN trong cục diện thế giới đa cực, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, theo Thủ tướng, ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định "là một cực trong thế giới đa cực". Là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh này.
Với rất nhiều lợi thế, ASEAN hiện là khu vực phát triển năng động, dân số hơn 600 triệu dân. Đây cũng là cộng đồng có không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng. Trong đó Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.
Nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới như xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Khung kinh tế tuần hoàn…
Theo Thủ tướng, ASEAN là khu vực độc lập, tự cường và là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, tăng trưởng toàn khối đạt 5,6% so với tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt khoảng 2,9%. Năm 2023 dự báo đạt 4,5%, cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng của nhóm nước phát triển.
Khôn khéo, cân bằng chiến lược
ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Đông Á (EAS)... các nước ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN. Đã có 43 quốc gia tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) tại ASEAN.
Để tiếp tục phát huy vị thế, nắm bắt cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối, giữ vững nguyên tắc, lập trường, quan điểm chung, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
"Chúng ta phải khôn khéo, cân bằng chiến lược, vừa tranh thủ được lợi thế của các nước có thể hỗ trợ ASEAN, nhưng cũng hóa giải được những khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị ASEAN cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Các DN tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết để phát triển.
Đồng thời, cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
"Chúng ta ở khu vực nhiệt đới gió mùa, cần hợp tác khai thác, phát triển nguồn năng lượng này để tự lực tự cường về năng lượng", Thủ tướng nêu ví dụ và cũng nhấn mạnh phát triển nhanh nhưng bền vững.
Đồng thời, kiên định cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như Covid, năng lượng, lương thực, nhưng tác động đến toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
Biến ASEAN thành tâm điểm tăng trưởng
ASEAN có nhiều triển vọng và tiềm năng khi có nguồn tài nguyên dồi dào, dân số đông đảo, đóng vai trò then chốt động lực kinh tế. ASEAN cần tư duy, thảo luận chiến lược để biến những tiềm năng này thành hiện thực, biến ASEAN thành tâm điểm của tăng trưởng. Điều kiện tiên quyết để ASEAN thành tâm điểm phát triển là tạo ra được điều kiện có đầy đủ sự ổn định, an ninh.
Mặc dù là cộng đồng đa dạng, song chúng ta có lòng tin duy trì năng lực kiểm soát các nguồn gây xung đột trong nội tại. Các thành viên trong khu vực có bản chất và tính chất giống nhau, có nền văn minh từ trong quá khứ, thúc đẩy sự hòa hợp của một xã hội đa dạng, bén rễ vào xã hội và là nền tảng đưa ASEAN là tâm điểm tăng trưởng. Chúng ta có nhiều tiềm năng đưa ra chiến lược biến ASEAN thành trung tâm của hòa hợp, tăng trưởng - là điều rất cần trong bối cảnh hiện nay.
Ông Yahya Cholil Staquf
(Chủ tịch Hội đồng Trung ương của Tổ chức Hồi giáo Nahdlatul Ulama - PBNU)
Thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới
Để phát huy hơn nữa vai trò của DN trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng đề nghị Chính phủ và DN cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất. Theo đó, cùng hoàn thiện thể chế thông qua chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định đầu tư, kinh doanh trong ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số. Khuyến khích và coi trọng tiếng nói của DN, lắng nghe DN để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.
Bên cạnh đó, chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới, quản lý và khai thác đất có hiệu quả hơn, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tạo cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những vấn đề trên cần phải được phối hợp ở cả 3 cấp độ: giữa chính phủ với chính phủ để hài hòa chính sách, giữa DN với DN để đồng bộ trong triển khai. "Các DN phải đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau dù ở đâu nhưng tinh thần là trong tôi có bạn trong bạn có tôi để chúng ta hỗ trợ nhau phát triển", Thủ tướng chia sẻ.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước ASEAN khác nỗ lực để xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển. Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng ASEAN sẽ bắt kịp những xu thế mới, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong dài hạn. Tranh thủ tối đa các cơ hội phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và Cộng đồng ASEAN cũng như chính các DN.
Khẳng định vai trò trung tâm ở Indo - Pacific
Dự kiến hôm nay, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra phiên toàn thể. Cùng ngày, Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) cũng được khai mạc. Nhằm thảo luận việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), AIPF là điểm mới trong chuỗi sự kiện tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay.
Phát biểu trong buổi họp báo hồi giữa tháng 8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Pahala Mansyuri cho biết: "AIPF đóng vai trò là một nền tảng toàn diện cho các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác, chủ yếu từ khu vực công và tư nhân, tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, xác định các dự án hữu hình tiềm năng và thúc đẩy hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific)".
Nhận định khi trả lời Thanh Niên ngày 4.9, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Indonesia với tư cách là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN muốn nêu bật đóng góp cho sự phát triển chung của khối. AIPF thảo luận việc thực hiện AOIP là nhằm thể hiện điều đó. Điều quan trọng là AIPF làm nổi bật vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò then chốt của khối về hội nhập khu vực Indo - Pacific và giải quyết vấn đề chung".
Ông nêu quan điểm: "Để AIPF thành công, diễn đàn cần đạt được những sáng kiến cụ thể và có ý nghĩa. Điển hình có thể đạt được một tuyên bố chung về Biển Đông hay một sáng kiến đối phó với Myanmar hoặc một cam kết ngoại giao nhằm thúc đẩy một khu vực Indo - Pacific dựa trên luật lệ".
Giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao các hoạt động của ASEAN thời gian qua. Mới đây, ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) đánh giá ASEAN năm qua đã tập trung vào rất nhiều ưu tiên về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nhằm ứng phó với những biến động do xung đột Nga - Ukraine gây ra. ASEAN cũng tập trung vào nhiều chương trình nghị sự kinh tế trong khối, đồng ý thiết lập mã AI vào năm tới, tiến hành các cuộc đàm phán về khuôn khổ kinh tế kỹ thuật số mới và đã đạt được thỏa thuận về thanh toán xuyên biên giới.
"Tất cả những điều này là tin tốt cho ASEAN", ông Poling nhận định và cho rằng ASEAN đang đứng trước cơ hội phối hợp trong nội bộ khối để có thể đón nhận sự chuyển hướng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Ông đánh giá VN cùng với Philippines, Indonesia… đều có thể hưởng lợi trong xu thế này. Đây cũng là xu thế quan trọng ở Indo - Pacific gần đây và thời gian tới.
Thời gian qua, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đánh giá ASEAN đang đóng vai trò trung tâm ở khu vực.
Phát Tiến
Bình luận (0)