Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi số, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa máy móc tự động vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chính vì thế, việc đưa AI vào vận hành doanh nghiệp, nhà máy vừa giúp bắt kịp xu thế tất yếu của tương lai vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng.
Tại hội thảo do VCCI-HCM (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp tổ chức, những "điểm nghẽn" khi tiếp cận với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp và lộ trình hình thành "nhà máy thông minh - smart factory" đã được các chuyên gia mổ xẻ kèm theo các kinh nghiệm được tích hợp không chỉ từ thế giới mà còn thực tế tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi số và tiếp cận trí tuệ nhân tạo với 5 thành tố nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhà máy thông minh là sự tiến hóa vượt bậc từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất được kết nối và linh hoạt - một hệ thống mà có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất và kinh doanh để tự học và thích nghi theo nhu cầu mới của thị trường.
Một hệ thống nhà máy thông minh thật sự có thể tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như từ máy móc thiết bị sản xuất cho đến các quá trình sản xuất cung ứng, con người để có thể kiểm soát được quá trình sản xuất, bảo trì, theo dõi kho, số hóa mọi hoạt động. Kết quả đạt được là một hệ thống hiệu quả, linh hoạt hơn, có khả năng dự báo và tự hiệu chỉnh.
Bình luận (0)