Cuộc họp bất thường do Singapore, nước nắm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN, triệu tập. Thông cáo trên website Bộ Ngoại giao Singapore cho biết đề xuất về cuộc họp do Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra, Ngoại trưởng George Yeo chuyển tới người đồng nhiệm Myanmar U Nyan Win và được phía Myanmar chấp thuận. Cuộc họp nhằm thảo luận "tình hình nhân đạo" ở Myanmar và xem xét "phương cách tốt nhất" để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả.
Tình hình nguy cấp
Bộ Ngoại giao Singapore gọi tình hình hiện nay ở Myanmar là "nguy cấp". Con số thống kê đăng trên Báo Straits Times của Singapore ngày 18.5 cho biết có 77.738 người chết, 55.917 người mất tích và khoảng 2,4 triệu người đang lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất". Trong số nạn nhân chết và mất tích, khoảng 40% là trẻ em. Hàng ngàn trẻ em khác có may mắn thoát chết thì bị mất cha mẹ. Hiện tại, các em được dồn vào những chỗ trú tạm đông đúc toàn người xa lạ, trong những vùng tối tăm và thiếu người trông nom. Trưởng bộ phận bảo vệ trẻ em UNICEF tại Myanmar, bà Anne-Claire Dufay, nói rằng: "Chúng tôi thực sự lo lắng về nguy cơ các em bị bóc lột và lạm dụng tình dục". Tổ chức Save The Children hôm 18.5 cảnh báo hàng ngàn trẻ em sẽ chết đói nếu trong vòng 2-3 tuần nữa thực phẩm không được khẩn cấp chuyển tới.
Báo Straits Times mỗi ngày gửi đến độc giả hàng chục bức ảnh chụp các em nhỏ bơ phờ, chen chúc nhau xếp hàng mong ngóng nhận được một chút thức ăn; những ngôi nhà đổ nát hoang tàn với vài đứa trẻ bơ vơ, ngơ ngác không thấy đâu là người thân; vài căn lều tạm bợ với đôi mảnh vải bạt buộc sơ sài vào mấy chiếc cọc, la liệt người ốm, người đứng kẻ ngồi lố nhố.
"Trời hạn mong mưa"
Cho đến nay hàng cứu trợ gồm thực phẩm, áo quần, thuốc men từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, Bangladesh... và một số tổ chức quốc tế đã đến được với người bị nạn. Tuy nhiên, số lượng còn quá ít ỏi. Ở nhiều vùng đồ cứu trợ chưa đến được. Marcus Prior, phát ngôn viên Chương trình lương thực thế giới của LHQ (WFP), nói việc cứu trợ quá chậm chạp và kém hiệu quả. Các nạn nhân cần nhiều lắm sự cứu trợ nhanh chóng của cả cộng đồng quốc tế.
Nhưng đến nay những đoàn cứu trợ của các nước phương Tây chưa được phép bay trực tiếp vào Myanmar, phần lớn phải quá cảnh ở Thái Lan. Hàng cứu trợ phải qua tay chính quyền Myanmar phân phát. Một phóng viên Straits Times đã có mặt trên tàu hải quân USS Essex của Mỹ tới biển Andaman cách bờ biển Myanmar chừng 50 hải lý. Bài báo hôm 19.5 của phóng viên này nói các tàu USS Essex, USS Harpers Ferry, USS Juneau đã đến biển Andaman từ ngày 14.5. Nhưng đến nay Myanmar chưa cho phép họ chuyển hàng cứu trợ lên máy bay bay thẳng đến Yangon. Các tướng lĩnh Myanmar nói họ "chưa sẵn sàng" cho việc đó. Jason McKeown, một nhân viên tàu USS Essex, than thở: "Nhiều người đang chết và đang chống chọi với cái đói. Còn chúng ta ở đây, cách họ chưa đầy 100 hải lý, chúng ta có hàng tấn nước và thức ăn".
Cuộc họp bất thường ngày hôm qua (có Ngoại trưởng Nyan Win dự) đã đồng ý lập nên một cơ chế điều phối do ASEAN chủ trì để cứu trợ Myanmar. Phía Myanmar cũng đồng ý cho phép ngay nhân viên y tế của tất cả các nước ASEAN vào Myanmar. Bộ trưởng George Yeo cũng cho biết vào ngày 25.5, sẽ có một cuộc họp "Cam kết quốc tế" về cứu trợ tại Yangon do ASEAN và LHQ đồng tổ chức. Việc đó, dẫu chậm trong tình hình khẩn cấp lúc này, cũng mở ra hy vọng cứu sống được nhiều người Myanmar hơn.
Thục Minh (VP Singapore)
Bình luận (0)