Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm qua dẫn lời các nhà ngoại giao ASEAN cho biết dự thảo COC đang được soạn thảo có tính ràng buộc pháp lý và sẽ bao gồm những biện pháp xử lý các cuộc diễn tập quân sự cũng như việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên ở biển Đông. Bộ quy tắc cũng sẽ quy định những phản ứng phù hợp đối với xung đột trong khu vực.
Trong khi đó, Kyodo News dẫn một dự thảo thông cáo chung được chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44) nói cuộc họp này sẽ đưa ASEAN và Trung Quốc đến gần hơn với việc hoàn tất COC. AMM 44, cùng với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18), sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 15-23.7.
|
Theo dự thảo thông cáo chung, ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận bộ quy tắc và mong muốn hoàn tất văn kiện này trước Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 của ASEAN và những hội nghị liên quan sẽ được tổ chức ở Bali vào tháng 11. Dự thảo cũng kêu gọi các bên tôn trọng tự do đi lại và quyền bay trên vùng trời biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên, DOC không có tính ràng buộc pháp lý và nhiều chuyên gia nhận định nó đã không phát huy được tác dụng, thể hiện qua những căng thẳng gần đây trên biển Đông, xuất phát từ những hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, các nỗ lực nâng cấp DOC thành COC lâu nay vẫn gặp nhiều trở ngại.
Cũng trong hôm qua, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định khối không can thiệp vào tranh chấp nhưng sẽ “cung cấp một diễn đàn cho việc thảo luận các vấn đề về biển Đông một cách cởi mở và thẳng thắn”.
Trong một diễn biến khác, tờ Nhân Dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua đăng bài xã luận yêu cầu Mỹ và các bên tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của nước này, trong đó có nhắc tới tranh chấp ở biển Đông. Việc một số tài liệu của Bắc Kinh đưa biển Đông vào “lợi ích cốt lõi” lâu nay đã gây nhiều lo ngại và tranh cãi từ giới học giả và dư luận. Bản thân Trung Quốc cũng bất nhất về thuật ngữ này. Tại hội nghị quốc tế về biển Đông ở Hà Nội hồi năm ngoái, chính giáo sư Tô Hạo của Đại học Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ đó trong các tài liệu chính thức.
Trùng Quang
Bình luận (0)