Tại phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước ASEAN lần thứ 23 ở Singapore ngày 13.10, nhiều thỏa thuận, sáng kiến về tăng cường hợp tác vận tải đường bộ, đường không đã được ký kết. Tờ Today dẫn lời Bộ trưởng Giao thông nước chủ nhà Khaw Boon Wan khẳng định "hợp tác khu vực toàn diện hơn về giao thông vận tải sẽ tạo nên sự khác biệt thực sự nhằm nâng chất lượng cuộc sống của người dân, tạo việc làm với mức lương hợp lý đồng thời đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực". Diễn ra trong hai ngày 12 - 13.10, hội nghị có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu từ các nước ASEAN cùng những đối tác đối thoại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Mở cửa cho xe buýt
Một trong những điểm đáng chú ý nhất tại hội nghị năm nay chính là việc các nước đồng ý đơn giản hóa quy định vận chuyển xuyên biên giới, tạo điều kiện cho hàng ngàn chuyến xe buýt, xe khách du lịch được nhập cảnh, chuyển tiếp và lưu thông dễ dàng hơn giữa các nước trong khối ASEAN. Tên chính thức của thỏa thuận này là Tạo thuận lợi cho vận chuyển hành khách xuyên biên giới bằng phương tiện đường bộ (CBTP). Chính quyền các nước thành viên sẽ phải phê chuẩn trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Bộ Giao thông Singapore nhận định rằng khi thỏa thuận được thi hành, công dân Đông Nam Á sẽ thuận tiện hơn nhiều trong việc di chuyển bằng xe khách trong khu vực, dù là với mục đích công tác hay đi du lịch. Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt cho ngành du lịch và thương mại. Trong khi đó, Phó thủ tướng Singapore Teo Chee Hean tuyên bố CBTP gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế rằng ASEAN cam kết với việc tạo thuận lợi cho nền kinh tế mở, mang tính tích hợp và sẽ mở rộng tự do mậu dịch vì lợi ích của người dân.
|
Kết nối hàng không
Các bộ trưởng ASEAN còn ký một thỏa thuận mới nhằm trao cho hành khách nhiều lựa chọn hơn trong việc di chuyển bằng máy bay, giúp thủ tục mua vé và vận chuyển hành lý trơn tru hơn. Đặc biệt, khi thỏa thuận được thông qua, các hãng hàng không lớn thuộc ASEAN có thể hợp tác chia sẻ mã đặt chỗ với những hãng hàng không nội địa, giúp hành khách thuận lợi hơn trong việc mua vé. Ví dụ, một hãng hàng không Singapore chỉ có chặng bay đến TP.HCM mà không có chặng đến Côn Đảo, nhưng muốn khai thác đường bay này sẽ phải hợp tác với một hãng bay của VN có chuyến đến Côn Đảo. Khi đó, khách của hãng hàng không Singapore có thể đến TP.HCM rồi Côn Đảo chỉ với một lần đặt vé. Ngược lại, khách của hãng hàng không VN sẽ có thể bay từ Côn Đảo đến TP.HCM, sau đó sang Singapore dù hãng này không có chuyến bay đến đảo quốc sư tử. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp những hãng hàng không ASEAN mở rộng mạng lưới đường bay đến nhiều địa điểm hơn mà không cần mua sắm thêm máy bay.
tin liên quan
Giới trẻ Đông Nam Á trước nỗi lo thất nghiệpThanh niên các nước ASEAN lo ngại thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng lại khước từ những công việc lao động phổ thông.
Ngoài ra, bộ trưởng các nước còn ký kết một thỏa thuận giúp giảm bớt quy định về việc trao đổi các dịch vụ đi kèm trong ngành hàng không, cùng một sáng kiến mới về việc cấp bằng cho tiếp viên hàng không. Theo đó, bằng tiếp viên hàng không được cấp bởi một nước thành viên trong thỏa thuận cũng sẽ được công nhận tại các nước khác. Về triển vọng tương lai, Phó thủ tướng Teo Chee Hean nhấn mạnh ASEAN cần gia tăng kết nối, hướng đến việc thành lập Thị trường hàng không thống nhất (ASAM) và Thị trường hàng hải thống nhất (ASSM).
Bình luận (0)