Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị chiều 6.9 tại thủ đô Vientiane, Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Bounnhang Vorachith của Lào đều nhấn mạnh sau gần 50 năm tồn tại và phát triển “ASEAN nay không chỉ là một cộng đồng của cơ hội đối với 620 triệu dân trong khối, mà còn đối với nhiều quốc gia ngoài khu vực”. Trong thời gian tới, lãnh đạo Lào kêu gọi ASEAN mở rộng hợp tác quốc tế, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của khối trong quan hệ với các đối tác để xây dựng một cộng đồng năng động, dựa trên luật pháp, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Lợi ích lâu dài
Phát biểu của các lãnh đạo Lào phản ánh sự nhìn nhận vai trò của ASEAN trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế không chỉ đối với toàn khối, mà còn đối với từng quốc gia thành viên. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Vientiane từ hôm 5.9, tức gần 2 ngày trước khi ông tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ và thượng đỉnh Đông Á, để thăm Lào. Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đang tại vị công du chính thức đến Lào.
Trong buổi hội đàm với Chủ tịch Bounnhang Vorachith sáng 6.9, Tổng thống Obama cam kết viện trợ 90 triệu USD giúp nước chủ nhà rà phá hàng chục triệu quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ ném xuống vào thời chiến tranh. Chiều cùng ngày, phát biểu trước khoảng 1.000 cử tọa tại Vientiane, ông Obama tái khẳng định Mỹ sẽ can dự “dài lâu” ở châu Á - Thái Bình Dương bởi nó phản ánh lợi ích quốc gia cơ bản của nước này. Ông cũng tuyên bố sẽ hối thúc quốc hội thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi ông rời Nhà Trắng vào đầu năm tới.
Trước đó, trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN vào buổi sáng, Ngoại trưởng Lào Saleum Kommasith cho biết nước này đã phê chuẩn Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN được ký kết tại Hà Nội năm 2010. Trả lời Thanh Niên, ông Jojie Samuel, Thư ký quốc gia phụ trách quan hệ với ASEAN của Malaysia, cho hay nghị định thư này là văn kiện quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN trong nỗ lực giải quyết tranh chấp nội khối và với bên ngoài. Hiện còn một số quốc gia chưa phê chuẩn nghị định thư, ông Samuel cho biết thêm.
Hợp tác thực chất
Sau lễ khai mạc, các lãnh đạo ASEAN đã có phiên họp toàn thể. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mỗi thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN - một cộng đồng cùng chung vận mệnh. “Các thành viên ASEAN cần tăng cường tham vấn, có tiếng nói chung trước những vấn đề khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của ASEAN, cũng như trong định hướng quan hệ với các đối tác và định hình cấu trúc khu vực”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ các mặt hợp tác nội khối và với bên ngoài. Cụ thể, về chính trị - an ninh là hoạt động xây dựng lòng tin, các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, phát huy các quy tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực, hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố và an ninh mạng.
Về kinh tế là ưu tiên thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác khu vực về giám sát kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định tài chính - tiền tệ.
Về văn hóa - xã hội là đẩy mạnh trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động lành nghề, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Đặc biệt, để kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, cần tập trung phát triển mạng lưới đường bộ và đường sắt, tăng cường năng lực đường biển và hàng không, nâng cao năng lực hội nhập khu vực của Campuchia, Lào, Myanmar và VN.
Cũng chiều qua 6.9, các lãnh đạo ASEAN đã đối thoại với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN, thanh niên ASEAN và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN. Tại đây, các lãnh đạo khuyến khích sự tham gia, đóng góp tích cực của các giới nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng nước thành viên và nền kinh tế khu vực.
Hôm nay 7.9, các lãnh đạo ASEAN tiếp tục phiên họp hẹp cũng như dự Hội nghị ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và LHQ, họp ASEAN+3 và thượng đỉnh Mê Kông với Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp lãnh đạo Lào, Philippines
Trưa 6.9, ngay khi đến Vientiane, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến người đồng cấp nước chủ nhà Thongloun Sisoulith. Hai bên nhất trí ưu tiên triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại và Hiệp định thương mại biên giới VN - Lào ký năm 2015.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong lần hội đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo, Tổng thống Duterte nhấn mạnh VN vừa là nước láng giềng vừa là người bạn thân thiết của Philippines, và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác sâu rộng với VN trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển 1982; nhất trí cùng hợp tác để phấn đấu cho các mục tiêu đó. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về việc tăng cường phối hợp, trong đó có cơ chế giữa hai bộ trưởng ngoại giao và duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Duterte sang thăm VN và ông Duterte đã nhận lời.
|
Bình luận (0)