>> Cứu hộ ngư dân ở Hoàng Sa
>> Cứu hộ tàu nước ngoài trôi dạt
>> Tàu hải quân cứu hộ một tàu cá an toàn
Đây là một số những ý kiến đánh giá được đưa ra tại Hội thảo ASEAN - Trung Quốc về ''Tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại biển Đông'' do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội từ 19-20.6 tại Hà Nội.
Đánh giá thực trạng vấn đề, các đại biểu đều nhận định biển Đông ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và tàu thuyền hoạt động tại đây do mật độ đi lại đang tăng cao, ngư dân hoạt động ngày càng nhiều và xa bờ dài ngày. Trong khi đó trang thiết bị an toàn kém, trang thiết bị thông tin không đầy đủ, phương tiện cảnh báo thiên tai, an toàn hàng hải thiếu thốn, thiếu duy tu, bảo dưỡng.
Mặt khác, ngư dân hoạt động đánh bắt cá thường hay đi đơn lẻ và không được trang bị kiến thức cơ bản về cứu hộ cứu nạn.
Các đại biểu tại hội thảo ''Tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm
và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại biển Đông'' - Ảnh: T.Sơn
Các yếu tố thiên nhiên đặc thù ở biển Đông như bão biển, sương mù làm gia tăng rủi ro tai nạn trên biển. Đại biểu Trung Quốc cho rằng hai nguyên nhân sự cố lớn nhất là gió to, biển động và va chạm giữa tàu cá và tàu chở hàng, trong đó tàu cá thường gặp nạn như tràn nước vào khoang máy làm hỏng động cơ, nhất trong điều kiện thời tiết xấu. Ngày càng nhiều vụ va chạm giữa tàu hàng có trọng tải rất lớn và tàu cá nhỏ gây tai nạn mà tàu hàng không biết để tiến hành cứu hộ kịp thời.
Nguyên nhân chính các va chạm, theo đại biểu Trung Quốc là do thiếu quan sát, điều khiển sai, thiếu hiểu biết về các biện pháp an toàn, và chưa có thủ tục phòng trách đụng độ giữa các phương tiện trên biển.
Nhiều đại biểu đánh giá mặc dù các nước trong khu vực đang ngày càng chú trọng công tác tìm kiếm và cứu hộ, song vẫn chưa phản ứng đầy đủ và kịp thời với số sự cố ngày càng gia tăng. Đại biểu Trung Quốc thống kê trong 6 năm qua đã nhận được 60 yêu cầu cứu hộ trên biển Đông. Số liệu cập nhật nhất được đoàn Trung Quốc công bố là năm 2006 đã cứu hộ thành công 285 ngư dân Việt Nam; tháng 11.2007 đã cứu hộ gần 1.000 ngư dân các nước trong khu vực gặp bão ở biển Đông.
Đại biểu Việt Nam cho biết, trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, tỷ lệ cứu được người đạt 86,7 %; tỷ lệ cứu phương tiện đạt 47,2 %, trong đó các biện pháp sử dụng lực lượng tại chỗ chiếm 52,3%; lực lượng kiêm nhiệm và chuyên nghiệp chỉ trợ giúp được 47,7% số vụ tai nạn, qua đó khẳng định việc tìm kiếm tại chỗ và trợ giúp của các lực lượng cứu hộ của các khác ở gần rất quan trọng.
Cần có đầu mối cứu hộ quốc gia
Nhận diện các khó khăn hiện nay đối với hợp tác cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn tại biển Đông, các đại biểu chỉ ra các nguyên nhân chính là: thiếu hoặc chậm chia sẻ thông tin do không có đầu mối rõ ràng hoặc do không kênh thông tin trực tiếp giữa các cơ quan chức năng, do thiết bị truyền thông thiếu tương thích, bất đồng ngôn ngữ...
Bên cạnh đó là trang thiết bị cứu hộ cứu nạn thiếu và công suất yếu như tàu thuyền cứu hộ không đi được xa hoặc máy bay trực thăng không bay được trong điều kiện thời tiết xấu; thiếu ý thức hoặc hiểu biết về cứu hộ cứu nạn của ngư dân hoặc tàu bè hoạt động trên biển; thiếu cơ chế phối hợp giữa các nước trong khu vực khiến việc xử lý và giải quyết đối tượng được cứu hộ thành công gặp khó khăn.
Các đại biểu Singapore, Malaysia, Indonesia nhấn mạnh việc thiếu vắng các cơ chế, quy trình, thủ tục chuẩn của khu vực trong việc xử lý người bị nạn sau khi được cứu hộ là một trở ngại lớn trong hợp tác cứu hộ cứu nạn. Ngoài ra, các tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cũng là nguyên nhân quan trọng khiến hợp tác cứu hộ cứu nạn còn khó khăn.
Các đại biểu nêu nhiều kiến nghị khắc phục các hạn chế nêu trên nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc về tìm kiến cứu nạn người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, đáng chú ý là việc lập danh bạ các cơ quan đầu mối cứu hộ cứu nạn toàn khu vực, thống nhất ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Anh giữa các trung tâm cứu hộ cứu nạn trong khu vực, thiết lập đường dây nóng, trực tiếp giữa các trung tâm cứu hộ cứu nạn.
Các đại biểu cũng kiến nghị cần thiết lập website cứu hộ cứu nạn ASEAN - Trung Quốc cập nhật thông tin liên tục thường xuyên; tăng cường nhận thức và tham gia của ngư dân, tận dụng cơ sở vật chất của các lực lượng dân sự khác trên biển như dầu khí vào công tác cứu hộ cứu nạn, thường xuyên tổ chức hội thảo giữa ASEAN và Trung Quốc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sau các hoạt động cứu hộ cứu nạn lớn.
Các đại biểu Trung Quốc, Malaysia, Singapore khuyến nghị các lực lượng cứu hộ cứu nạn khu vực thường xuyên tổ chức diễn tập khu vực trên sa bàn, tiến tới cả diễn tập ASEAN - Trung Quốc trên thực địa.
Một số đại biểu khuyến nghị ASEAN và Trung Quốc nên xây dựng một số nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình, thủ tục chung của khu vực về tìm kiếm và cứu nạn; khuyến nghị các bên chưa tham gia Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn 1979 sớm tham gia công ước này; đồng thời tham khảo kinh nghiệm tìm kiếm cứu nạn của các khu vực khác để áp dụng cho biển Đông, như kinh nghiệm hợp tác 4 nước Lào, Myanmar, Thái lan và Trung Quốc trong tìm kiếm cứu nạn trên sông Lan Thương - Mekong.
Các đại biểu nhất trí cao vấn đề tìm kiếm cứu nạn và vấn đề nhân đạo, ASEAN và Trung Quốc cùng cần thể hiện hợp tác hiệu quả. Các đề xuất, sáng kiến nêu tại Hội nghị đều nhằm mục đích trên, được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao, và sẽ được chuyển tới các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc xem xét trong thời gian sớm nhất.
Trường Sơn
Bình luận (0)