ASEAN trước những thách thức an ninh

18/11/2016 08:46 GMT+7

Những mối đe dọa và thách thức về an ninh là chủ đề chính của hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, vừa diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào.

Hội nghị trên, gọi tắt là ADMM hẹp, được tổ chức vào ngày 16.11 với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì một cộng đồng ASEAN năng động”. Tham dự hội nghị có bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng cấp cao của các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu VN do đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.
Theo Mizzima News, phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Chansomone Chanyalath, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, nhận định hợp tác trong khuôn khổ ADMM đã phát triển không ngừng trong thời gian qua và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Sự ra đời của hàng loạt cơ chế, sáng kiến và hoạt động hợp tác mới có thể được xem là bằng chứng xác nhận cho những nỗ lực của ADMM.
Những kết quả này thể hiện cam kết củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, qua đó đảm bảo xây dựng khối thành một khu vực hòa bình, an ninh và phát triển theo tinh thần Tầm nhìn ASEAN năm 2025.
Tuy nhiên, ông Chansomone cũng cho rằng tình hình hiện nay chưa hoàn toàn thuận lợi cho ASEAN. “Khu vực của chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những mối đe dọa và thách thức an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống mà không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự xử lý”, Thượng tướng Chansomone nhấn mạnh. Theo ông, nhìn chung môi trường thế giới và khu vực tiếp tục trải qua những thay đổi nhanh chóng và phức tạp, ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục quan ngại về những thách thức và diễn biến trên khắp các khu vực của thế giới.
Ngoài khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu cũng là những thách thức đáng kể đối với an ninh khu vực, do chúng tác động đến sinh kế và sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, theo quan chức Lào, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cần kịp thời trao đổi quan điểm để tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm giải quyết những thách thức an ninh đang nổi lên.

tin liên quan

ASEAN trước “canh bạc” Donald Trump
Việc Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump thực thi đến đâu các tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử của ông sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế, an ninh ASEAN.
Quan ngại về Biển Đông
Quan điểm của Bộ trưởng Chansomone đã nhận được sự tán đồng của những người đồng cấp ASEAN tại hội nghị. TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các nước. Theo ông, một trong những vấn đề mà khu vực hiện nay đang phải quan tâm là bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.
“Để giải quyết vấn đề này, VN đã nhiều lần và hôm nay tôi nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta, với tinh thần đoàn kết, trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận, cần phải tăng cường hợp tác nội khối hơn nữa, đặc biệt tiếp tục duy trì có hiệu quả hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực, trong đó có Trung Quốc và Mỹ”.
Vấn đề Biển Đông cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề cập tại hội nghị, cùng với hoạt động khủng bố. “Chúng ta đã thường xuyên thảo luận những lo ngại về an ninh khu vực. Đã đến lúc chúng ta có hành động cụ thể để hiện thực hóa những bàn bạc của chúng ta”, tờ The Jakarta Post dẫn lời ông Ryamizard nhấn mạnh. Theo ông, các nước ASEAN cần duy trì sự thống nhất, tăng cường hợp tác và thực thi những thỏa thuận an ninh đã được ký kết.
Nhật, ASEAN tăng cường hợp tác an ninh
Cũng trong ngày 16.11, tại Vientiane diễn ra cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nhật Bản, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada. Đài NHK dẫn lời Bộ trưởng Inada khẳng định Nhật và ASEAN đã nhất trí về tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động, cũng như nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Hai bên đã thảo luận hợp tác quốc phòng Nhật Bản - ASEAN và đề xuất “Tầm nhìn Vientiane” của Nhật Bản. “Tầm nhìn Vientiane” kêu gọi các nước cùng thừa nhận luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, đồng thời đảm bảo thực thi đầy đủ. Sáng kiến này cũng gợi ý Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong các lĩnh vực thu thập thông tin, cảnh báo và giám sát, tìm kiếm cứu hộ, nhằm thúc đẩy xây dựng các năng lực đa chiều cho các nước ASEAN để ứng phó các vấn đề về an ninh biển.
Bộ trưởng Inada cho biết Nhật Bản dự định cung cấp thiết bị quốc phòng và hỗ trợ kỹ thuật, tham gia tập huấn và tập trận, tổ chức hội thảo về luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển nguồn nhân lực và trao đổi học giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.