Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, có hơn 20 tham luận và 250 ý kiến thảo luận được trình bày. Sự kiện này do Học viện Ngoại giao (DAV) và Phái đoàn EU tại VN tổ chức.
Hội thảo nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cơ chế an ninh tập thể, có thể áp dụng từ kinh nghiệm mô hình ở châu Âu. Nhiều đại biểu cho rằng cần tận dụng vai trò của ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm hiện nay. Theo Giáo sư Erik Franck, thành viên Tòa trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp châu Âu và quốc tế (Đại học Tự do Bỉ), ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình EU, trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Từ đó, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Raul C.Pangalangan, thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague (Hà Lan) đề nghị cần có trao đổi thông tin, đối thoại thường xuyên giữa đại biểu quốc hội, bộ trưởng tư pháp với các bộ ngành khác nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng và tính hữu hiệu của các tòa án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Để sử dụng tòa án quốc tế hiệu quả, các quốc gia cần chú trọng đào tạo, tăng cường năng lực của các luật sư trong nước để sử dụng trong các phân xử quốc tế.
Tại phiên thảo luận hôm qua 10.6, hầu hết đại biểu tỏ ra không đồng tình với lập luận của đại diện Trung Quốc rằng nước này “hoàn toàn có quyền từ chối” tham gia Tòa trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để xem xét vụ kiện của Philippines và sẽ không thực hiện phán quyết. Ý kiến chung tại hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS nói chung, cơ chế giải quyết của công ước nói riêng cũng như tính ràng buộc của trọng tài.
Bình luận (0)