Việc chọn đặc phái viên phụ trách đối thoại với các bên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar được các lãnh đạo ASEAN thống nhất tại hội nghị hồi tháng 4 tại Indonesia. Theo nguồn tin của Kyodo News, hiện có 3 ứng viên nổi bật cho vai trò này gồm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Virasakdi Futrakul, cựu Ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda và cựu Đặc phái viên LHQ về hòa hợp dân tộc và chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, ông Razali Ismail người Malaysia. Indonesia được cho là nước quyết liệt nhất trong việc đề đạt ứng viên của nước này.
Với vai trò là nước chủ tịch luân phiên ASEAN, Brunei đã tìm cách dung hòa yêu cầu của các nước khi thuyết phục Myanmar chọn một nhóm đặc phái viên, thay vì chỉ một người.
Hồi đầu tháng 6, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, ông Erywan Yusof, đã đến Myanmar và cung cấp danh sách ứng viên.
Quân đội Myanmar chưa chính thức hồi đáp, nhưng được cho là nghiêng về ứng viên và mô hình chuyển tiếp của Thái Lan hơn mô hình của Indonesia, vì sẽ giúp họ duy trì ảnh hưởng.
Giáo sư luật quốc tế Hikmahanto Juwana tại Đại học Indonesia cho biết vai trò của đặc phái viên là lắng nghe ý kiến của người dân Myanmar và đề xuất thành lập chính phủ lâm thời để tổ chức bầu cử với sự giám sát của ASEAN. Ông Juwana cho rằng ASEAN cũng phải liên lạc với các nước khác như Trung Quốc để thúc đẩy Myanmar.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong chuyến thăm Indonesia ngày 6.7 tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và đã truyền đạt ý kiến tương tự đến giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho rằng lập trường của ASEAN nên được coi là cơ sở cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng và đưa tình hình Myanmar trở lại bình thường.
Bình luận (0)