ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn?

15/09/2023 06:36 GMT+7

Sau thành công rực rỡ ở sân chơi Đông Nam Á khi giành ngôi nhất toàn đoàn 2 kỳ SEA Games 31 và 32, thể thao VN sẽ hướng tới cải thiện thành tích ở ASIAD - đấu trường khó khăn và khốc liệt hơn, nhưng cũng đầy hứa hẹn giúp các VĐV bước lên tầm cao mới.

KHOẢNG CÁCH TỪ SEA GAMES TỚI ASIAD

Đoàn thể thao VN đánh dấu sự thống trị ở Đông Nam Á khi 2 lần liên tiếp giành ngôi nhất ở các kỳ SEA Games 31 và 32, bỏ xa đối thủ bám đuổi ở số lượng HCV lẫn tổng số huy chương. Tuy nhiên, thành công ở SEA Games chỉ thuần túy là bước đệm, còn để vươn cao tại ASIAD, thể thao VN còn khoảng cách lớn phải san lấp. Đoàn thể thao VN sẽ lên đường sang Trung Quốc với 504 thành viên, gồm 22 lãnh đội, 11 chuyên gia, 90 HLV và 337 VĐV của 31 môn... Trưởng đoàn thể thao VN dự ASIAD 19 là Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt. Tại kỳ Á vận hội này, đoàn thể thao VN đặt mục giành từ 2 - 5 HCV, trong khi tại ASIAD 18 toàn đoàn giành 39 huy chương, trong đó có 5 HCV.

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn? - Ảnh 1.

Đội cầu mây Việt Nam vô địch thế giới, được kỳ vọng tại ASIAD 19

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn? - Ảnh 1.

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh phấn đấu đổi màu huy chương ở ASIAD 19

NGỌC DƯƠNG

Nói về trở ngại của thể thao VN tại ASIAD 19, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ với Thanh Niên: "Cần thẳng thắn nhìn nhận trình độ các VĐV thể thao đỉnh cao dự ASIAD là rất cao. Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới, ngoài ra nơi đây cũng có nhiều nước sở hữu nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Tây Á (như Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar). VĐV ở những nước này được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản. Ở VN, thời gian qua ngành thể thao nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, có sự phối hợp để phát triển thể thao T.Ư, địa phương, các liên đoàn, hiệp hội. Dù vậy, kinh tế VN chưa mạnh, nên chưa tập trung nguồn lực lớn để đầu tư cho các đại hội thể thao hay đấu trường lớn. Khó khăn trước tiên của thể thao VN là cơ sở vật chất, thiếu các trung tâm huấn luyện đạt chuẩn Olympic, ngay cả ở những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì ở ASIAD 19 sắp tới?

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn? - Ảnh 3.

Đội điền kinh Việt Nam

Ngoài ra, trong thể thao, VĐV cần thời gian tập luyện rất dài, mỗi người cần tới 10.000 giờ để có thể đạt thành tích cao. VĐV chuyên nghiệp cần quá trình 10 năm đào tạo bài bản, trước đó cũng cần tuyển chọn kỹ càng mới có những "viên ngọc thô" để mài giũa. Hiện tại, ngay từ công tác tuyển chọn cũng khó khăn. Nhiều VĐV trẻ có tiềm năng phát triển, nhưng gia đình không định hướng cho theo thể thao. Việc huấn luyện cũng gặp thử thách, bởi thể thao VN cần đội ngũ chuyên gia lớn để nghiên cứu, đảm bảo để nâng cao dinh dưỡng, thể lực, tầm vóc, kỹ thuật nhằm giúp VĐV nâng cao thành tích. Chúng ta có thể giành 20 HCB, 20 HCĐ ASIAD, nhưng để chuyển hóa những tấm huy chương ấy thành HCV thì cần đầu tư mạnh cho khoa học thể thao, cần có kinh phí để thuê chuyên gia ngoại, tập huấn nước ngoài".

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn? - Ảnh 2.

Nguyễn Huy Hoàng cũng được chờ đợi bứt phá ở môn bơi

NGỌC DƯƠNG

Về vấn đề đầu tư cho VĐV, Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định: "Để đầu tư cho những sân chơi lớn như ASIAD, thể thao VN có 3 nguồn chính, đó là từ T.Ư, địa phương và các liên đoàn, hiệp hội thể thao. Ở một số môn thể thao, trong đó có bóng đá, các VĐV VN đã được các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hỗ trợ nhiều về kinh phí mới đủ điều kiện để đi tập huấn. Ngành thể thao đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, nhà đầu tư các nước để họ giúp đỡ thêm cho mình. Phải được thi đấu với đối thủ ngang hoặc trên tầm thì mới tiến bộ được".

NHỮNG NIỀM HY VỌNG

Ở ASIAD 18, đoàn thể thao VN giành 5 HCV, lần lượt ở các môn điền kinh (2 HCV), pencak silat (2 HCV) và đua thuyền rowing (1 HCV). Tuy nhiên ở ASIAD 19, môn pencak silat không được chủ nhà Trung Quốc đưa vào chương trình đại hội. Trong nhóm các VĐV VN vô địch ASIAD 18, chân chạy Quách Thị Lan không thể tham dự do án cấm thi đấu vì dính doping, còn VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo giảm phong độ khi chỉ giành HCB SEA Games 32 với thành tích 6,13 m, kém thành tích 6,55 m từng giúp cô giành HCV ASIAD 18.

Gương mặt vàng của thể thao VN tại ASIAD 19 nhiều khả năng vẫn là những cái tên quen thuộc. Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh được đặt nhiều kỳ vọng. Cô giành 4 HCV SEA Games ở các nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m, 10.000 m. Tại ASIAD 19, mục tiêu của Nguyễn Thị Oanh là cải thiện thành tích ở hai nội dung sở trường 1.500 m và đặc biệt là 3.000 m vượt chướng ngại vật, nơi cô từng giành HCĐ ASIAD với thành tích 9 phút 43 giây 83. Ở môn bơi, Nguyễn Huy Hoàng cũng được chờ đợi bứt phá sau khi đã giành HCĐ nội dung 800 m tự do và HCB nội dung 1.500 m tự do nam. Ở một số nội dung như cầu mây, cờ tướng, karate, xe đạp đường trường, bắn súng, bắn cung, cử tạ, đoàn thể thao VN đều đặt hy vọng có huy chương, nhưng sẽ rất khó khăn.

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Thách thức nào trước ngày hội lớn? - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Thật cũng là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam ở ASIAD 19

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết thể thao VN có những môn có thể cạnh tranh huy chương, với những VĐV được chờ đợi như Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) hay Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), nhưng khả năng thành công còn liên quan đến kết quả bốc thăm và quá trình thi đấu. "Một số môn võ, các VĐV VN không thua kém đối thủ, nhưng khi ra bước vào quá trình thi đấu, họ lại gặp nhiều vấn đề. Thể thao VN chưa ở trình độ để chắc chắn có HCV. Các VĐV cần rèn luyện tâm lý, điều này còn liên quan công tác khoa học trong huấn luyện thể thao. Sân chơi ASIAD luôn rất khắc nghiệt, khi các nước quan tâm đầu tư mạnh cho thể thao, đồng thời nhiều nền thể thao cũng nhập tịch các VĐV để đạt thành tích. Do đó, chúng ta phải rất cố gắng", ông Việt khẳng định.

Ở ASIAD 18, đoàn thể thao VN giành 5 HCV, gồm 2 HCV ở môn điền kinh của Quách Thị Lan (400 m vượt rào nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), 2 HCV pencak silat của Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam, cùng 1 HCV đua thuyền rowing.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.