Asma al-Assad, đóa hồng trong tâm bão

04/03/2012 03:53 GMT+7

Số phận nào chờ đợi vị đệ nhất phu nhân xinh đẹp của Syria khi chồng bà đang chịu sức ép nặng nề trong cuộc khủng hoảng đẫm máu?

Số phận nào chờ đợi vị đệ nhất phu nhân xinh đẹp của Syria khi chồng bà đang chịu sức ép nặng nề trong cuộc khủng hoảng đẫm máu?

Tháng 12.2010, trong một căn phòng lộng lẫy tại Điện Elysee, Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni-Sarkozy dùng cơm trưa với bà Asma, vợ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Khi đó, giới truyền thông như “phát cuồng” với hình ảnh 2 trong số những phu nhân tổng thống đẹp nhất thế giới ngồi cùng nhau. Một người là cựu siêu mẫu kiêm ca sĩ, một người là nữ trí thức thanh lịch mê hàng hiệu Chanel - họ được xem là đại diện của những gì sang trọng nhất, duyên dáng nhất.

Chỉ vài ngày sau bữa ăn trưa đó, một người bán rau tự thiêu tại Tunisia, kích hoạt làn sóng chính biến gây chấn động Bắc Phi và Trung Đông. “Lửa” chống đối nhanh chóng lan sang Syria và đến nay đã có hơn 7.500 người thiệt mạng tại đây, AFP dẫn thống kê của LHQ cho hay. Bất chấp áp lực ngày càng tăng từ phương Tây, Tổng thống al-Assad tỏ ra quyết không nhượng bộ và nhiều người cho rằng sớm muộn gì bà Asma cũng sẽ phải chịu số phận như những phu nhân lãnh đạo Ả Rập bị lật đổ khác, thậm chí tệ hơn. 

Từ Diana phương Đông...

Cơn khát của truyền thông phương Tây về một thế hệ những đệ nhất phu nhân có học thức, hiện đại và sành điệu đã được thỏa mãn với sự xuất hiện của Asma al-Assad năm 2000.

Có bố là chuyên gia tim mạch nổi tiếng còn mẹ là cán bộ ngoại giao về hưu, bà Asma sinh năm 1975 tại London (Anh). Cha mẹ bà từ Syria nhập cư vào Anh từ những năm 1950 và là bạn thân của cố Tổng thống Hafez al-Assad, cha của ông Bashar al-Assad. Theo báo Anh Independent, Asma tốt nghiệp trường đại học lâu đời nhất của Anh là King's College với chuyên ngành công nghệ thông tin trước khi đầu quân cho một ngân hàng đầu tư và chuyển đến sinh sống ở New York (Mỹ). Bà gặp ông Bashar al-Assad trong một kỳ nghỉ cùng bố mẹ ở Syria. Sau đó, ông Bashar cũng đến London học ngành bác sĩ nhãn khoa và 2 người thường xuyên gặp nhau. Không bao lâu, ông quay về Syria do anh trai Basil, vốn được xác định là người kế vị Tổng thống Syria vào thời điểm đó, qua đời do tai nạn giao thông vào năm 1994. Independent dẫn lời một nhà viết tiểu sử cho gia đình al-Assad cho biết ông Bashar vốn rất đào hoa với rất nhiều bạn gái xinh đẹp nhưng bà Asma mới là người lấy trọn trái tim ông. Hôn lễ của họ đã được tổ chức vào tháng 12.2000 khi chú rể ở tuổi 34, đã giữ cương vị tổng thống được vài tháng, và cô dâu 25 tuổi. Bà Asma nghỉ việc ngân hàng và chuyển hẳn về sống tại Damascus.


Vợ chồng Tổng thống Bashar al-Assad - Ảnh: AFP
 

Khác với những đệ nhất phu nhân tai tiếng ở Ai Cập hay Tunisia, bà Asma ban đầu chiếm được cảm tình của người dân lẫn giới truyền thông. Bà cổ động cho nhiều sáng kiến phát triển, giúp thành lập các tổ chức từ thiện phi chính phủ ở Syria cũng như có công phục hồi nhiều bảo tàng cũ nát ở Syria. Theo báo Guardian, trong chuyến thăm Paris hồi cuối năm 2010, bà Asma từng đứng diễn thuyết rất lâu mà không cần ghi chú, khiến Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde (hiện là Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế) vô cùng ngưỡng mộ. Đầu năm 2011, tạp chí Vogue danh tiếng có bài viết ca ngợi bà Asma với tựa đề Đóa hồng sa mạc, còn báo Paris Match gọi bà là “Diana của phương Đông”.

...đến Marie Antoinette

Với một cặp vợ chồng tổng thống “Tây hóa” như vậy, nhiều người hy vọng Syria sẽ dần cải cách và ngày càng tiến bộ hơn. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình chống đối nổ ra kéo theo bạo lực đẫm máu khiến hình ảnh bà Asma sụp đổ trong mắt phương Tây. Việc website của tạp chí Vogue nhanh chóng rút bài viết Đóa hồng sa mạc là biểu tượng cho sự “vỡ mộng” của giới truyền thông. Đến nay, chính quyền al-Assad, phe chống đối và các thế lực lớn trên thế giới như Nga và Mỹ liên tục đổ lỗi lẫn nhau về những gì đang xảy ra tại Syria. Chỉ có dân thường là hằng ngày oằn mình dưới những trận mưa đạn pháo và sự im lặng của bà Asma hoàn toàn trái ngược với hình ảnh vị phu nhân năng động, gần gũi trước đó. Những lời chỉ trích càng nặng nề hơn khi thành phố Homs, nơi đang chịu pháo kích nặng nề nhất, lại chính là quê nhà của bà. 

Đầu tháng 2, văn phòng của bà Asma gửi một bức thư điện tử cho tờ Times của Anh khẳng định: “Tổng thống al-Assad là lãnh đạo của toàn Syria và đệ nhất phu nhân ủng hộ ông ấy”. Bức thư còn viết: “Những ngày này, đệ nhất phu nhân vẫn đang bận rộn với công tác từ thiện và phát triển nông thôn cũng như xúc tiến đối thoại và chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân của bạo lực”. Chính những lời lẽ này khiến một số chuyên gia phương Tây cho rằng bà Asma đang trở nên lạc lõng với tình hình thực tế. Đến ngày 26.2, khi đệ nhất phu nhân, vẫn sang trọng và xinh đẹp, xuất hiện với nụ cười lạnh lùng cùng Tổng thống al-Assad trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, dư luận thế giới nhìn nhận bà đã trở thành một Marie Antoinette thời hiện đại. Marie Antoinette là hoàng hậu trẻ đẹp của triều đình Pháp thế kỷ 18, thường được xem như tội đồ của đất nước và chung số phận với chồng là vua Louis XVI - rơi đầu dưới máy chém sau Cách mạng Pháp 1789.

Tình hình Syria vẫn đang bế tắc và cuộc khủng hoảng chưa biết khi nào mới đến hồi kết. Tuy nhiên, khả năng chế độ al-Assad tiếp tục tồn tại bị cho là khá thấp và nguy hiểm đang chờ đợi “đóa hồng sa mạc” nếu bà không kịp chạy về Anh khi có biến. Cuối tháng 1, tờ Telegraph dẫn lời một thủ lĩnh của phe chống đối cảnh báo đệ nhất phu nhân cùng chồng và các con có thể sẽ không toàn mạng.

Những “bà trời” Ả Rập

Bà Leila Trabelsi, người vợ đầy tham vọng của tổng thống bị lật đổ Zine El-Abidine Ben Ali ở Tunisia, bị xem là biểu tượng của tình trạng gia đình trị, tham nhũng, là người phụ nữ kích hoạt làn sóng chính biến trong thế giới Ả Rập. Theo báo Guardian, trước cuộc nổi dậy cuối năm 2010, bà chi phối nền kinh tế theo kiểu mafia, thu vén của cải cho họ hàng và được cho là kiểm soát từ hải quan đến các chuỗi siêu thị và những hợp đồng lớn của chính phủ. Một cuốn sách do quản gia của nhà Ben Ali viết mới được phát hành gần đây mô tả Trabelsi thích được gọi là “Bà tổng thống” và thường mướn thầy pháp ếm bùa Tổng thống Ben Ali để điều khiển ông. Có lần bà trừng phạt một đầu bếp bằng cách nhúng tay người này vào dầu sôi. Vào tháng 2.2011, cặp vợ chồng quyền lực nhất Tunisia phải tháo chạy sang Ả Rập Xê Út và sống lưu vong ở đó đến nay. Hai người đang tìm cách kháng cáo sau khi bị một tòa án Tunisia kết án vắng mặt 35 năm tù giam.

Tương tự, cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak cũng bị cáo buộc thu vén khối tài sản hàng tỉ USD ở một đất nước có khoảng 40% dân số sống với chưa đầy 2 USD/ngày. Bà và ông Hosni Mubarak đang bị xét xử về nhiều cáo buộc khác nhau bao gồm tham nhũng và tàn sát người biểu tình, theo AFP.

Khác với 2 người trên, vợ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi là Safia Farkash tương đối kín tiếng trong thời gian cầm quyền của chồng. Tuy nhiên, theo Đài Al Arabiya, Farkash sở hữu hãng hàng không Buraq Air và độc quyền trong việc đưa hàng triệu tín đồ Hồi giáo ở Libya hành hương sang thánh địa Mecca tại Ả Rập Xê Út hằng năm. Một số nguồn tin cho hay tài sản riêng của bà Farkash lên tới 30 tỉ USD, bao gồm 20 tấn vàng. Sau cái chết của ông Gaddafi và các con trai, bà đang sống lưu vong tại Algeria cùng con gái Aisha và một số người con khác.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.