Aspirin không hiền như ta tưởng

27/01/2013 09:36 GMT+7

Các thầy thuốc đôi khi khuyên bệnh nhân dùng Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Aspirin tác động vào quá trình đông máu vì vậy ngăn chặn sự hình thành những cục máu đông vốn gây “kẹt xe” ở não, tim...

Muốn sử dụng Aspirin trong mục đích này thì người sử dụng thuốc cần được sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ thay vì tự ý mua dùng.

Thông thường bác sĩ chỉ định Aspirin cho những người có nhiều yếu tố rủi ro mắc bệnh tim mạch chẳng hạn như người có tiền sử gia đình bị đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, những người trên 45 tuổi, người hút thuốc, bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao, béo phì, cholesterol cao, thiếu hoạt động thể chất... thường Aspirin dùng trong mục đích này có liều lượng rất thấp (81-100 mg) so với liều mà Aspirin có tác dụng giảm đau (250-325 mg).

Vì vậy, cần biết liều lượng để sử dụng cho thích hợp. Việc sử dụng Aspirin cũng đem đến không ít rủi ro như gây xuất huyết đường tiêu hóa (bao tử, ruột...)

Điều quan trọng cần lưu ý là không nên sử dụng Aspirin với các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) khác, chẳng hạn như Ibuprofen. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (The U.S. Food and Drug Administration-FDA) thì Ibuprofen có thể “sinh sự” với tác động kháng đông máu của Aspirin liều thấp (81 mg mỗi ngày) do đó sẽ làm giảm rất nhiều tác động của Aspirin trong việc bảo vệ tim và ngăn ngừa đột quỵ.

FDA đề nghị nếu thỉnh thoảng bạn dùng Ibuprofen thì rủi ro mà Ibuprofen làm mất hoặc giảm tác dụng của Aspirin liều thấp là ở mức tối thiểu. Nếu phải dùng Ibuprofen thì cần uống trước Aspirin 8 giờ. Nếu cần dùng lâu dài Ibuprofen thì bạn cần hỏi thầy thuốc một lựa chọn khác ngoài Ibuprofen.

Lưu ý là Aspirin có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, vì vậy tốt nhất cần uống khi bụng no. Trước khi nhổ răng hoặc làm những tiểu phẫu cần ngưng Aspirin trước đó khoảng 7 ngày.

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.