‘Avatar 2’ có làm sống dậy trào lưu phim 3D?

04/11/2022 08:00 GMT+7

13 năm trước, thành công đột phá của Avatar đã tạo nên cơn sốt phim 3D trên toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng này cũng sớm nở chóng tàn khi khán giả bị bội thực bởi hàng loạt các tác phẩm 3D kém cỏi. Siêu phẩm Avatar 2 chuẩn bị được ra mắt, cũng với định dạng 3D liệu có khiến cho trào lưu này phất lên một lần nữa?

Chỉ hơn một tháng nữa, phần 2 của bộ phim huyền thoại Avatar - Avatar: The way of water sẽ chính thức được trình làng sau hơn 1 thập niên chờ đợi. Hồi 2009, Avatar được xem như tượng đài của dòng phim 3D. Sức hút và thành công về mặt doanh thu của phim cũng đã làm bùng nổ cơn sốt phim 3D trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phim 3D đã không còn là “hàng hiếm” mà thậm chí còn bị khán giả lạnh nhạt. Liệu Avatar: The way of water ra mắt vào tháng sau có khả năng khơi lại niềm hứng thú của đại chúng với phim 3D?

James Cameron cùng với Avatar đã khơi mào trào lưu làm phim 3D trên toàn thế giới hồi 2009

reuters

Avatar - bộ phim khơi mào cơn sốt phim 3D

13 năm trước, công nghệ 3D từng được xem như một hiện tượng đột phá trong thế giới giải trí, là tương lai của điện ảnh. Năm 2009, đạo diễn James Cameron đã vận dụng công nghệ 3D để đưa khán giả đến một hành tinh mới mang tên Pandora với cảnh quan kì ảo và hùng tráng đến choáng ngợp thông qua bộ phim Avatar. Tầm nhìn vĩ đại, tài kể chuyện của James Cameron và ứng dụng công nghệ 3D đã biến Avatar trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ nhất thập niên.

Hình ảnh kì ảo, hùng tráng của Avatar rất phù hợp để được ứng dụng công nghệ 3D

imdb

Hình ảnh khán giả toàn cầu đổ xô ra rạp đeo kính xem Avatar vẫn là một dấu ấn trong văn hóa đại chúng năm 2009. Doanh thu “khủng” của bộ phim cũng biến Avatar trở thành mục tiêu trong mơ, kéo theo hàng loạt các studio phim đổ xô sản xuất phim dưới định dạng 3D để ăn theo, mong sinh ra những “con gà đẻ trứng vàng” như cách mà James Cameron và 20th Century Studios đã làm được.

Theo Tech Radar, vào cuối năm 2010, phim 3D đã kiếm được 6,1 tỉ USD cho Hollywood, chiếm gần 20% tổng thu nhập của thị trường này trong năm đó. Tổng cộng có 37 phim 3D đã được phát hành tại Mỹ trong cùng năm và mọi rạp chiếu phim đều nhanh chóng trang bị để có thể chiếu được phim 3D. Đến những nhà làm phim kì cựu ưa thích phong cách cổ điển như Ridley Scott, Martin Scorsese hay Lý An, Peter Jackson cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ này vào các bộ phim của mình.

Avatar: The way of water sẽ được trình chiếu ở nhiều định dạng, trong đó có 3D

galaxy

Công nghệ 3D từng được đánh giá là tương lai của nền điện ảnh khi đưa khán giả thâm nhập vào thế giới của bộ phim

galaxy

Khoảng 2010-2012 là thời gian mà phim 3D rộ lên nhiều nhất. Không những áp dụng cho dòng phim viễn tưởng, hành động mà những xưởng hoạt hình danh tiếng như Pixar hay Walt Disney cũng đã tiến hành 3D hóa toàn bộ kho phim hoạt hình kinh điển của mình, khởi điểm là The Lion King 3D. Cơn sốt 3D còn lan rộng đến thị trường châu Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Ấn Độ. Ở Việt Nam cũng đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ và cho ra đời bộ phim 3D Bóng ma học đường, Mỹ nhân kế.

Alice in Wonderland cũng là một trong những bộ phim 3D được đánh giá cao

imdb

Trào lưu này mạnh mẽ đến mức nhiều studio sau khi sản xuất hoàn tất phim dưới định dạng 2D vẫn yêu cầu đạo diễn chuyển phim thành định dạng 3D, như trường hợp của đạo diễn Clash of the titans Louis Letterier. Tuy nhiên, cách làm việc “ăn xổi ở thì” này đã gây nên không ít ức chế cho các nhà làm phim. Đạo diễn Luois Letterier từng chia sẻ: “Tôi thấy việc chạy đua theo công nghệ 3D này thật kinh khủng. Chẳng có gì ra hồn cả. Tôi cảm giác như đây chỉ là mánh lới của nhà sản xuất để moi thêm tiền từ khán giả”.

Phim 3D: Cách mạng điện ảnh hay trào lưu thức thời?

Việc áp dụng công nghệ 3D vô tội vạ sau một thời gian đã gây nên những hiệu ứng tiêu cực. Hàng loạt bộ phim bị cưỡng ép khoác lên mình chiếc áo 3D nhưng không hề phù hợp. Quá trình hậu kì cẩu thả cũng khiến chúng gây khó chịu nặng nề cho khán giả khi thưởng thức. Bởi khi đó, những hiệu ứng 3D không hề mang đến sự thăng hoa, chân thực mà còn tạo cảm giác sống sượng. Khi thỏa tò mò sau một, hai lần xem đầu tiên, nhiều người bắt đầu chú ý đến sự khó chịu và bất tiện của chiếc kính 3D khi chúng gây gò bó, làm màu phim tối đi, đau mắt, nhức đầu.

Công nghệ 3D được cho là đã bị nhiều nhà làm phim lợi dụng để câu khách và moi thêm tiền từ khán giả

shutterstock

Nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert đã chỉ trích ứng dụng 3D trong điện ảnh theo trào lưu là một sai lầm vì sau Avatar, không có nhiều phim 3D được đầu tư sản xuất bài bản để các thiết bị 3D có đất dụng võ. Nhiều phim chỉ cố làm theo kiểu “chữa cháy” cho hợp thời. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh hầu hết không đạt được như kì vọng. Một số nhà làm phim có ảnh hưởng ở Hollywood cho rằng 3D chỉ là một công nghệ “đóng thế” không có giá trị thực.

Christopher Nolan đã từ chối thực hiện loạt phim người dơi The Dark Knight ở định dạng 3D dù đầy đủ tiềm lực. Trong khi đó, Walter Murch, nhà dựng phim từng đoạt giải Oscar của Apocalypse Now The English Patient đánh giá công nghệ này "tối tăm, rối mắt, gây nhức đầu, xa rời và đắt đỏ”. Có thể thấy, việc phim 3D có được thời kì hoàng kim tại các rạp phim phần lớn là do sự tò mò của người tiêu dùng, nhiều hơn là bản thân chất lượng của bộ phim. Điều này đồng nghĩa với việc khi hết tò mò, khán giả sẽ chọn xem phim ở định dạng thường để tiết kiệm.

Thời gian gần đây, định dạng 3D IMAX đang trở thành xu hướng xem phim thời thượng mới

cgv

Ngoài ra, sự xuất hiện của các định dạng trình chiếu mới vượt trội cũng là lý do khiến cho phim 3D thoái trào. Khi nhắc đến trải nghiệm điện ảnh đẳng cấp đương thời, các nhà làm phim và giới phê bình hầu hết sẽ nhắc đến IMAX. IMAX đang được xem như công nghệ chiếu phim cao cấp nhất hiện nay, màn chiếu có thể đáp ứng độ phân giải tối đa lên đến 18K. Các phòng chiếu chuẩn IMAX còn cung cấp góc nhìn rộng hơn 26%, và chất lượng âm thanh 3D, giúp khán giả có trải nghiệm âm thanh và hình ảnh đồng nhất từ mọi vị trí ngồi.

Tiếp đó còn có SCREENX, là công nghệ chiếu phim đa diện với 3 màn hình hiển thị cùng lúc, bao trọn mọi góc nhìn của khán giả. Người xem cũng có thể tìm đến các phòng chiếu STARIUM sở hữu màn hình cực đại và hệ thống âm thanh vòm Dolby Atmos để trải nghiệm cảm giác lạ hoặc công nghệ 4DX, đưa người xem “đắm chìm” vào bộ phim qua mọi giác quan nhờ một chuỗi hiệu ứng môi trường được lập trình. Các hiệu ứng bao gồm ghế chuyển động đa chiều, phun sương, gió thổi, ánh sáng nhấp nháy, mùi hương… tất cả sẽ được thiết kế sao cho đồng nhất với các cảnh phim.

Sự khác biệt về mặt hình ảnh giữa định dạng thường và định dạng IMAX

cgv

Đạo diễn Michael Bay làm việc với máy quay IMAX 3D. Chất lượng hình ảnh phim 3D không chỉ do màn chiếu, kính 3D tạo nên mà còn phụ thuộc lớn vào máy quay được sử dụng trong quá trình ghi hình

shutterstock

Trong khoảng 5 năm đổ lại đây, số lượng phim 3D được phát hành khá nhỏ giọt, chủ yếu chỉ tập trung vào các phim siêu anh hùng, hành động quy mô lớn được đầu tư bởi những “ông lớn” trong ngành. Một số tác phẩm tiêu biểu được trình chiếu ở định dạng này có thể kể đến Dune, Doctor Strange in the Multiverse of Madness, Star Wars, Encanto, Godzilla vs Kong… Tín hiệu sức sống dành cho dòng phim 3D cũng có cải thiện khi Avatar được chiếu lại hồi tháng 9 năm nay, với nhiều cải tiến trong hình ảnh lẫn âm thanh. Và định dạng được nhiều người ưa thích nhất mà 3D IMAX với trung bình 75% vé được bán ra.

Có thể nói, phim 3D không chết hẳn nhưng nó chỉ đang tồn tại như một thị trường ngách, một sự lựa chọn thêm cho khán giả thay vì danh xưng “tương lai của ngành điện ảnh” như một thời từng được dự đoán. Vì vậy, nếu Avatar: The way of water thành công, nó sẽ được tán dương như một tác phẩm 3D độc lập chứ khó có khả năng lần nữa tạo nên một cơn sốt làm phim, xem phim 3D như phần 1 đã từng.

Life of Pi (2012) của đạo diễn Lý An là một trong những tác phẩm 3D ấn tượng được lòng giới phê bình lẫn khán giả đại chúng

imdb

Bởi hơn một thập kỷ trôi qua, các nhà làm phim đã học được bài học rằng công nghệ 3D nên được áp dụng có tính toán và tùy thuộc vào tính chất của dự án. Brad Gray, giám đốc điều hành Paramount Pictures, cho biết: “Chúng tôi sẽ chọn lọc ở đâu mới là phù hợp để triển khai 3D. Nó cần có người kể chuyện phù hợp, dự án phù hợp và đạo diễn phù hợp. Hollywood đã nhận ra rằng khán giả sẽ không trả phụ phí để xem một bộ phim tầm thường với hiệu ứng 3D tệ hại”.

Một bài báo gần đây của Hollywood Reporter trích lời chủ tịch Imax Entertainment - Megan Colligan rằng: “Việc hâm nóng công nghệ 3D phải được thực hiện một cách chu đáo và cẩn thận. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm trong thời kỳ bùng nổ 3D vừa qua. Các nhà sản xuất của Avatar 2 và ngành công nghiệp điện ảnh nói chung không hề mong muốn công nghệ 3D trở thành mánh lới bòn rút tiền khán giả hay chiêu trò câu khách. Chúng ta không biết họ sẽ thành công như thế nào trong 10 năm nữa. Nhưng nếu lịch sử đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì có lẽ đó là bài học về việc chúng ta không nên quá phấn khích trước bất kì xu hướng nào”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.