B2B trong chứng khoán ngăn chặn nguồn cung không cần thiết

30/03/2020 11:14 GMT+7

Thị trường chứng khoán đã bốc hơi hơn 33 tỉ USD kể từ đầu tháng 2 đến nay. Nhằm tránh nguồn cung bung ra quá lớn mà cầu không có, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đề xuất giải pháp B2B.

Thổi bay hơn 33 tỉ USD

Tính từ đầu tháng 2 (khi những ảnh hưởng đầu tiên của dịch) đến ngày 26.3, chỉ số VN-Index đã giảm 242 điểm từ 936 xuống 694 điểm, thị giá các cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Vốn hóa trên HOSE giảm 756.001 tỉ đồng, từ 3,173 triệu tỉ đồng còn 2,417 triệu tỉ đồng, tương đương mức sụt giảm 33 tỉ USD.
Hơn 400 mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm giá khá mạnh, xuống dưới cả giá trị doanh nghiệp. Điều bất hợp lý của sự giảm giá này là doanh thu hoạt động thực tế của một số doanh nghiệp vẫn tăng, lợi nhuận vẫn tốt. Cổ phiếu giảm mạnh hoàn toàn không phản ánh đúng sức khỏe của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.
Giá giảm, cổ đông cắt lỗ, bán lượng cổ phiếu đang nắm giữ ra và giá càng giảm sâu. Thêm vào đó, lượng cổ phiếu thế chấp ngân hàng, hay margin tại công ty chứng khoán không còn đủ giá trị đảm bảo theo thỏa thuận ban đầu… dẫn đến tình trạng phải bù tiền mặt hoặc tài sản, nếu không các đơn vị sẽ thực hiện bán ra cắt lỗ. Với tổng lượng vốn giao dịch ký quỹ toàn thị trường đang khoảng 50.000 tỉ đồng. Việc xử lý “force sell” sẽ tăng nguồn cung không cần thiết ra ngoài thị trường. Đó là “cung không có cầu”, “cung không ai mua” và càng làm thị trường xấu đi.

“Khóa van” lượng cổ phiếu “force sell”

Để giải quyết vấn đề này, ông Đặng Văn Thành cho rằng các giải pháp tăng cường cần đến từ chính sự phối hợp của các bên theo hình thức B2B (business to business) không những đối với thị trường tiền tệ mà cả thị trường vốn.
Đối với thị trường vốn, mà tiêu biểu là thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán (CTCK) đang đóng vai trò là các tổ chức tài chính trung gian, tác nhân quan trọng của thị trường. Ông Đặng Văn Thành cho rằng đây là thời điểm rất cần sự chủ động từ phía các CTCK với các khách hàng của mình. Cần có sự gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi tháo gỡ khó khăn từ các CTCK với khách hàng là tổ chức, cá nhân có sử dụng giao dịch kỹ quỹ (margin)…
Các mã chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện mới được phép mua bán sử dụng “margin” thì rõ ràng việc thống nhất giải pháp giữa các bên lúc này là thực sự cần thiết, nhất là với các khách hàng “chiến lược”. Các tác động hiện nay là do yếu tố khách quan, cần tìm giải pháp để cùng nhau tháo gỡ và góp phần ổn định thị trường chứng khoán. Hành lang pháp lý và cơ chế hướng dẫn trong những trường hợp khẩn cấp là cần thiết, nhưng nếu chưa có thì sao không ngồi lại với nhau, chủ động đến gặp các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp.
Theo đề xuất của ông Đặng Văn Thành, giải pháp đó có thể là Chứng thư bảo lãnh từ công ty mẹ, bổ sung các loại chứng khoán khác, hoặc tăng tỷ lệ margin… Với chứng thư đến từ sự cam kết của các doanh nhân có uy tín, những người sáng lập đã gầy dựng và tạo dựng nên tên tuổi doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm dịch vụ, những người sẵn sàng sống chết vì đứa con tinh thần thì đây là thực sự là “cam kết đáng tin cậy và trọng lượng nhất”.
Riêng về thị trường tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020 hướng dẫn hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đánh giá của ông Đặng Văn Thành, không chỉ có các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, mức độ chịu tác động gián tiếp với các ngành nghề khác là hiện hữu khi sự đình trệ đang đến với toàn bộ các vấn đề kinh tế xã hội, giao thương…
Trên cơ sở đánh giá cụ thể, cần có các gói hỗ trợ giãn nợ - giảm lãi suất quyết liệt hơn nữa theo từng nhóm mức độ chịu ảnh hưởng. “Với sự phối hợp từ các Ngân hàng và các CTCK nhằm có giải pháp kịp thời đồng hành cùng các khách hàng, vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết. Chỉ có như vậy, tất cả mới cùng sớm quay về cơ chế ổn định khi dịch bệnh qua đi, và mang lại sự hợp tác phát triển bền vững cho tất cả các bên”, ông Đặng Văn Thành cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.