Bà Bảy kể, cách đây 5 năm, Long Trường 2 là ấp 3 không: không đường, không điện, không nước sạch. Con đường học sinh đến trường đầy sình lầy, phải băng qua cánh đồng mía, nhiều khi áo quần ướt nhèm vì sương sớm.
Các con lớn của bà đi làm ăn xa, hằng ngày bà phải đưa cháu nội đến trường. Thấy các cháu đi học quá vất vả, bà Bảy bàn với gia đình vay 10 triệu đồng mua chiếc vỏ lãi để đưa rước. Từ đó, mọi người quen gọi là “bà Bảy vỏ lãi”.
“Trên đường đi, hễ thấy đứa nào đi bộ trên bờ là tôi kêu xuống vỏ lãi chở giùm. Riết thành quen, hễ nghe tiếng máy vỏ của tôi thì tụi nó đứng trên bờ kêu réo như người thân trong nhà”, bà Bảy nói.
Cảm động trước việc làm ý nghĩa của bà Bảy, không lâu sau, một nhà hảo tâm ở TP.HCM đã tặng bà chiếc vỏ lãi lớn hơn để có điều kiện đưa rước nhiều hơn. Đến nay, có 18 em được bà đưa rước đi học mỗi ngày.
Cứ 5 giờ 30, bà lái vỏ lãi đưa các em đến trường, khoảng 10 giờ 30 thì chạy ra đón về. Ngày nào các em học 2 buổi thì bà phải rước nhiều lượt đi về. “Phải rước đúng giờ vì tụi nó lúc nào cũng ngồi sẵn trên bờ chờ mình, tội nghiệp lắm. Hôm nào bận việc hay đám tiệc thì tôi cũng tranh thủ đưa các cháu đi học xong rồi mới đi đám, sau đó nhờ chồng đi rước thay”, bà Bảy nói.
Cô Phạm Ngọc Ửng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thạnh 3, cho biết bà Bảy yêu thương học sinh như cháu ruột của mình. Ngoài việc đưa rước các em, bà còn tham gia vận động các em đến lớp. Em nào nghỉ học 1 - 2 buổi là bà đến hỏi thăm, sau đó cùng thầy cô tìm cách giúp các em đi học.
Em Lê Thị Tố Trinh, học sinh lớp 5A1 Trường tiểu học Long Thạnh 3, xúc động kể: “Nhờ bà Bảy mà mấy năm nay tụi con khỏi phải lội sình lầy đi học hơn cả cây số. Bà Bảy thương tụi con lắm. Ngoài đưa rước, bà còn dạy tụi con lễ phép với người lớn, đoàn kết, yêu thương bạn bè”.
Ghi nhận việc làm đầy ý nghĩa của bà Bảy, 2 năm liền UBND H.Phụng Hiệp đã tặng giấy khen cho bà. Mong sao có nhà hảo tâm giúp thêm cho các em áo phao để hành trình đến lớp an toàn hơn.
Bình luận (0)