Ba cấp “bất lực” với lò gạch phá đê

23/04/2013 08:49 GMT+7

(TNO) Những lò gạch khoét rỗng chân đê sông Đáy tại xã Yên Đồng, H.Ý Yên, Nam Định nhiều năm nay nhưng không bị xử lý dù xã, huyện, tỉnh đã vào cuộc.

(TNO) Những lò gạch khoét rỗng chân đê sông Đáy tại xã Yên Đồng, H.Ý Yên, Nam Định nhiều năm nay nhưng không bị xử lý dù xã, huyện, tỉnh đã vào cuộc.

Khu đất Bãi Làn sông Đáy là đất công do UBND xã Yên Đồng quản lý. Năm 2006 UBND xã Yên Đồng cho ông Trần Đình Thập (xã Yên Phúc, H.Ý Yên) thuê để sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bến bãi và nuôi trồng thuỷ sản.

Theo hợp đồng, ông Thập không được chuyển nhượng, thừa kế, chế chấp và chỉ được đào 1 m ở nơi đất cao, sau đó phải hoàn thổ và cách chân đê 25 m. Thời hạn hợp đồng hết tháng 8.2011.

3 cấp “bất lực” với lò gạch phá đê
Máy xúc hoạt động dưới chân đê - Ảnh: HL

Năm 2007, được Sở TN-MT Nam Định cấp phép khai thác đất sét, ông Thập cùng 3 cá nhân khác mở lò gạch. Năm 2010, ông Thập chuyển nhượng cho ông Phùng Đình Gan và 3 người khác ở Phú Xuyên, Hà Nội. Sau đó, ông Gan lại chuyển nhượng cho 3 người khác cũng ở Phú Xuyên làm lò gạch khiến khu bãi dài gần 1 km nay lô nhô ống khói, nhà xưởng cùng máy móc và hàng trăm công nhân làm việc.

Đáng nói là khu đồng bãi nay đã đầy các hố sâu, rộng từ vài chục đến hàng trăm mét vuông, nhiều chỗ sâu 6-7 mét. Thậm chí, khu vực giáp chân đê cũng bị đào bới lấy đất và trở thành một con mương dài gần 1 km, chỗ nông nhất cũng 1 mét.

Cùng đi với PV, ông Hà Tiến Tất (58 tuổi, Trưởng xóm 34, thôn Yên Đồng) cho biết: đây là đoạn đê xung yếu, các năm 1971 và 1985 đã từng bị vỡ, tình hình này thì không biết lúc nào sẽ vỡ tiếp. Theo ông Tất, khói bụi của lò gạch phả vào nhà dân, cứ buổi chiều là người làng phải đeo khẩu trang mà vẫn ho sặc sụa, ruộng đồng bên cạnh nay bỏ hoang vì khói làm lúa màu chết hết.

Thấy PV đến, hàng trăm người dân lập tức kéo đến bày tỏ sự bức xúc. Theo ông Đặng Văn Việt ở thôn Khang Giang, không chỉ phá đê, các lò gạch còn gây ô nhiễm môi tường trầm trọng đối với 12 xóm của 3 thôn Nam Đồng, Khang Giang và Chiến Thắng của xã Yên Đồng. Ông Phạm Văn Lực ở thôn Chiến Thắng cho biết, người dân đã gửi  đơn kiện đến đủ các cấp nhưng lò gạch vẫn hoạt động, chủ lò còn thách thức, đe dọa những người ký đơn…

Tại UBND xã Yên Đồng, ông Đào Tiến Định, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Hoạt động của các lò gạch là vi phạm hợp đồng, vi phạm nghiêm trọng luật Đê điều. Xã đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu không đào đất, sản xuất gạch. Huyện đã ra quyết định xử lý vi phạm, tỉnh cũng có công văn chỉ đạo xử lý. Nhưng khó cho chúng tôi là không gặp được chủ lò vì họ ở tận Phú Xuyên”.

Về việc hợp đồng hết hạn từ tháng 8.2011 nhưng các lò gạch vẫn hoạt động tới nay, ông Định cho biết: tháng 8.2011, UBND xã ra thông báo hết hợp đồng thì các chủ lò trình một hợp đồng khác có thời hạn tới hết năm 2013. Hóa ra việc cho thuê khu bãi Làn có tới 2 bản hợp đồng được lập cùng ngày và đều do ông Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch xã lúc bấy giờ, hiện là Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ Ý Yên) ký. “Khi đó, tôi là Bí thư đảng ủy xã, việc ký là do ông Nguyễn Văn Quang, tôi không biết”.

Làm việc với PV, ông Phạm Mạnh Tiếp, Chủ tịch UBND H.Ý Yên cho biết: “Chúng tôi đang đôn đốc xã yêu cầu các chủ lò dừng sản xuất gạch. Về việc có hai bản hợp đồng, thời hạn khác nhau là do "sơ suất" của chủ tịch xã lúc bấy giờ”.

Hoàng Long

>> Đóng cửa 8 lò gạch thủ công
>> Đào hào, dựng trại chặn lò gạch
>> Sống trong khói lò gạch
>> Hàng loạt lò gạch gây ô nhiễm
>> Ngộ độc khí lò gạch, 3 người tử vong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.