Từ cô bé khuyết tật thành bà chủ
Chị Nguyễn Thị Đài Trang (quê ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An), có cái tên kiêu sa và gương mặt xinh xắn nhưng cơ thể thì không hoàn hảo như người bình thường. Năm lên 3 tuổi, chị bị sốt bại liệt khiến chân trái teo cơ và không đi lại được từ đó. Thế nhưng, Trang vẫn quyết tâm đến trường học, mặc cho các bạn bè chọc ghẹo. Học tiểu học, trường cách nhà khoảng 2 km, ngoài những ngày anh chị chở đến trường thì Trang phải tự bò bằng “4 chân”.
Những lần như thế, tay và chân của chị bị đá cắt tứa máu. Dù đau đớn nhưng chị không dám kêu than với ai vì sợ bố mẹ bắt nghỉ học. Đến năm 12 tuổi, Trang mới bắt đầu tập đi trên đôi nạng gỗ. Biết bản thân thiệt thòi, Trang chỉ còn cách tập trung vào học tập để chứng tỏ bản thân tàn nhưng không phế. Danh hiệu học sinh giỏi từ cấp 1 đến cấp 3 của Trang khiến bạn bè, thầy cô nể phục.
tin liên quan
[ẢNH] Cô giáo 9X xinh đẹp quyết 'chinh phục' đôi chân giả để bước tiếpĐể bước được những bước đi đầu tiên sau 5 tháng chỉ ngồi trên xe lăn, Nguyễn Thị Hoa (22 tuổi) đã phải trải qua chuỗi ngày mà ở đó chỉ có nghị lực, mồ hôi và cả những giọt nước mắt...
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị thi và đậu vào Trường trung cấp công nghệ thông tin Nghệ An (đóng tại thành phố Vinh, Nghệ An). Suốt 3 năm học, chị phải thuê trọ gần trường và bắt đầu sống cảnh tự lập. Ra trường, chị xin vào làm văn thư tại một trường cấp 2 ở Hà Tĩnh. Nhưng vì đồng lương ít ỏi, làm được gần 2 năm thì chị xin nghỉ việc. Những năm tháng sau đó, chị làm đủ nghề, từ nhân viên công ty truyền thông đến nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel.
|
“Tôi cảm thấy những việc mình làm thời gian rất gò bó khiến cột sống bị vẹo. Chính vì lý do này mà tôi quyết định chuyển hướng sang kinh doanh”, chị Trang nói.
Từ đầu năm 2011, chị Trang quyết định vay mượn bạn bè và người thân 200 triệu đồng để mở quán cà phê, nhưng sau 3 năm kinh doanh thì bị lỗ vốn. Không nản chí, chị Trang lại về quê nhà ở Nghệ An, tìm đến một quán lẩu nổi tiếng ở thành phố Vinh học nấu ăn. Nhìn cô gái tật nguyền kiên nhẫn “làm phiền”, chủ quán cuối cùng quyết định bán lại “menu” cho cô.
“Từ quán cà phê tôi chuyển thành quán lẩu. Không ngờ khách hàng tìm đến mỗi ngày một đông. Sau 1 năm hoạt động, tôi có một nguồn vốn khá lớn và tiếp tục mở thêm 1 nhà hàng ăn uống khác”, chị Trang kể.
Sau đó, chị lại bán quán lẩu cho người khác và đầu tư một nhà hàng ăn uống lớn hơn với vốn đầu tư 2 tỉ đồng. Hiện nhà hàng này đang tạo việc làm cho 30 nhân viên và 1 đầu bếp, lương trả cho người thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất 16 triệu đồng/tháng.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 9.2017, bà chủ trẻ tiếp tục mở thêm một nhà hàng mới và làm ăn khá phát đạt. Ngoài công việc làm ăn, chị Trang còn ấp ủ dự định xây dựng khu vui chơi trẻ em kết hợp với giáo dục giới tính để giúp các em có sân chơi và tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục…
tin liên quan
Cổ tích của cô thủ thư vào lớp 1 năm 15 tuổiHuỳnh Thị Xậm bị khuyết tật cả tay và chân từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống chị đã viết nên câu chuyện cổ tích cho chính bản thân mình.
Chuyện tình cổ tích
Năm 2002, khi chị đang học Trường trung cấp công nghệ thông tin thì quen với anh Phan Nhật Đông (một chàng trai bằng tuổi, trẻ đẹp, ngụ tại xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vì ở chung dãy trọ. Một năm sau, anh Đông bất ngờ ngỏ lời yêu chị Trang. Tuy nhiên, chị Trang từ chối ngay vì nghĩ rằng lời nói của anh chỉ là suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ. “Anh thà hầu hạ người anh yêu còn hơn để người yêu anh hầu hạ anh”, câu nói mà anh Đông trả lời khi bị chị từ chối khiến chị Trang cảm động.
Nhưng khi bố mẹ chị biết tin con gái có người yêu thì hết sức phản đối vì sợ con gái bị lừa. Phía bố mẹ anh Đông sợ chị Trang không sinh nở được nên ra sức ngăn cản. Vượt qua cấm đoán của bố mẹ hai bên, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Sau 3 năm yêu nhau, chị Trang và anh Đông quyết định tổ chức đám cưới mà không có sự chấp thuận của gia đình nhà chồng. Đám cưới vẫn được tổ chức tại nhà chị Trang, đại diện họ nhà trai là những đồng nghiệp, bạn bè của chú rể.
|
“Cuối năm 2005, khi tôi sinh bé gái đầu lòng thì bố mẹ chồng mới chấp nhận tôi là con dâu trong gia đình. Cha mẹ chồng không chỉ yêu quý con dâu mà còn dành mọi điều tốt nhất để chăm sóc cháu nội", chị Trang nhớ lại. Đến năm 2010, chị Trang sinh bé gái thứ 2 trong sự vui mừng của hai vợ chồng và người thân. Hiện, hai con gái của vợ chồng chị đều rất chăm ngoan, học giỏi. Nói về chồng, chị Trang hạnh phúc chia sẻ: “Chồng tôi phải nói là một người cuồng vợ. Anh ấy là người tất cả vì gia đình, làm tất cả mọi việc vì vợ con”.
Còn anh Đông cho biết, anh đến với chị Trang xuất phát từ sự rung động trái tim và nghị lực vượt khó của vợ mình. “Chúng tôi ở cùng dãy trọ nên thường xuyên giúp đỡ và tâm sự với nhau chuyện buồn chuyện vui của tuổi trẻ. Sau gần 1 năm thì tôi mới nhận ra mình yêu cô gái tật nguyền từ lúc nào không hay. Tuy nhiên, hai vợ chồng lại gặp phải sự ngăn cản của hai bên gia đình. Chúng tôi đã làm thay đổi quan điểm của gia đình khi quyết tâm đến với nhau, cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc và vượt qua gian khó”, anh Đông thổ lộ.
Bình luận (0)