Bà con xứ dừa mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất

06/04/2023 16:19 GMT+7

Bà con xã Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nhiều năm qua mong mỏi 1 cây cầu để thúc đẩy sinh kế. Người nông dân xứ dừa miền Tây bày tỏ sẵn sàng góp sức tay chân xây cầu, hiến đất mở rộng đường.

Thạnh Phú Đông là xã vùng sâu của H.Giồng Trôm với địa hình sông ngòi chằng chịt, hiện kết cấu hạ tầng bị xuống cấp trầm trọng. Tại xứ dừa miền Tây này có nhiều cầu nông thôn bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, cầu 7 Oai bắc qua rạch Cái Mít xây dựng từ năm 2004 với chiều ngang 1,2 m, dài 39 m dù được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn đang có nhiều hạng mục xuống cấp. Người dân vận chuyển hàng hóa như dừa, heo, gà,... phải di chuyển đường vòng cách đó 4 - 5 km. Các xe di chuyển cũng thường xuyên phải đi giật lùi để nhường đường cho xe ở chiều ngược lại.

Bà con xứ dừa miền Tây mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất - Ảnh 1.

Phần chân cầu 7 Oai xuống cấp khiến xe cộ di chuyển khó khăn, người dân gần cầu cho biết đã chứng kiến nhiều người bị té khi di chuyển qua cây cầu hẹp này

Vũ Phượng

Người dân xứ dừa Bến Tre gần 20 năm mòn mỏi chờ xây cầu 7 Oai mới

Phần dầm cầu, trụ cầu xuống cấp để lộ mảng bê tông bong tróc, nứt loang lổ

Vũ Đoan

Bà con xứ dừa miền Tây mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất - Ảnh 3.

Người đi xe đạp thường dắt bộ khi lên, xuống dốc để tránh té ngã. Ông Lê Văn Chưa (60 tuổi) thở dài: “Ngoài vụ phải mua vật tư mắc, nông sản bán ra giá rẻ, thì cầu nhỏ khi cần chở người đi cấp cứu cũng mệt mỏi lắm. Nếu như cầu này xe cấp cứu chạy được thì chỉ mất 45 phút là tới bệnh viện tỉnh, còn giờ đang đi đường vòng hết cả tiếng. Mà đường vòng cũng khó chạy, bữa xe cấp cứu ở tỉnh khác chuyển bệnh đi lọt khỏi lề đường luôn, nguy hiểm lắm”.

Đình Phú

Bà con xứ dừa miền Tây mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất - Ảnh 4.

"Ê chạy lên không được đâu", một người dân nhà ngay chân cầu la lớn khi thấy xe máy chở nhiều can nhựa rồi nhanh chân chạy lên đẩy phụ để xe di chuyển qua cầu. Nhiều lần trình bày trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân gần cầu khẳng định, người dân xã sẵn sàng phụ tay chân, góp sức xây cầu.

Vũ Phượng

Ông Chưa mong mỏi có cây cầu rộng rãi để cải thiện đời sống. “Ví dụ như có cây cầu, mỗi tạ heo lên thêm được trăm ngàn, 10 tạ heo lên được 1 triệu thì cũng sắm được 2 bao gạo, gia đình ăn mấy tháng trời”, ông nói

Vũ Phượng

Bà con xứ dừa miền Tây mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất - Ảnh 6.

Theo người dân, cuộc sống bà con nơi đây phụ thuộc vào cây dừa và nuôi heo. Nhưng chính vì cây cầu ngang 1,2 m, khi vận chuyển phải đi đường vòng thêm 4 – 5 km hoặc trung chuyển bằng xe nhỏ mới qua được bên kia cầu nên giá cả thấp hơn với ấp khác, dù chỉ cách nhau cây cầu.

Vũ Phượng

Bà con xứ dừa miền Tây mong 1 cây cầu: Sẵn sàng góp sức, hiến đất - Ảnh 7.

Nhà gần cầu, bà Lê Thị Tới (65 tuổi) nhiều lần chứng kiến học sinh đi trời mưa trơn trượt bị té khi cố gắng đi qua cây cầu có bề ngang khiêm tốn.

Vũ Đoan

Theo quan sát của PV, chỉ trong 30 phút, hơn chục lượt xe đang lên cầu phải chạy lùi để tránh xe ngược chiều trên cầu 7 Oai.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông cho biết, xã có hệ thống sông ngòi chằng chịt, kết cấu hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, cầu 7 Oai xây dựng gần 20 năm trước không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân và đi lại của các em học sinh. Hiện cầu đang xuống cấp, trụ cầu bong tróc, bể, lan can, dầm cầu hư hỏng.

"Đường hai bên đã được xã mở rộng 3 m từ năm 2018 nên bà con mong mỏi có một cây cầu và sẵn sàng hiến một phần đất trồng hoa màu để mở rộng đường hơn nữa nếu có cầu. Cây cầu không chỉ phục vụ bà con trong xã, mà còn nối đến xã Hưng Lễ, nhu cầu đi lại cao. Kinh phí để mở rộng cầu dự tính hơn 600 triệu nên xã chưa thể thực hiện. Chúng tôi rất mong có cầu để tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bà con, thuận lợi học sinh tới trường", ông Nguyễn Văn Chờ bày tỏ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.