Mẹ già, chị gái tàn tật
Giữa tháng 6, cơn mưa từ sáng sớm vẫn chưa dứt, tôi mon men theo con đường cập kênh Cồn Dĩa thuộc ấp Bình Tây, xã Bình Thạnh, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp để tìm đường đến nhà bà Nguyễn Thị Ba. Đến nơi, khi nghe khách gọi, một người phụ nữ ngoài 70 tuổi nói vọng ra: “Đúng rồi cô chú ơi, nhà bà Ba ở đây nè”.
Người phụ nữ cất giọng trả lời là bà Nguyễn Thị Hai (73 tuổi) chị gái của bà Ba. Bà Hai bảo sáng nào bà Ba cũng đi mò hến dưới sông. Theo lời chỉ dẫn của bà Hai, tôi tìm đến con rạch nhỏ gần nhà chứng kiến cảnh một bà cụ lưng còng, đầu đội nón lá, mặc chiếc áo mỏng manh đang lui cui dưới sông như thể mò tìm vật gì. Người đàn bà ấy chính là bà Ba. Mỗi ngày khi con nước ròng, bà Ba đều xách thau lặn ra bờ sông mò hến mưu sinh.
|
|
Bầu trời vẫn không ngớt hạt mưa rơi bỏ mặc cái lạnh lẽo do trầm nước, bà Ba vẫn miệt mài len lỏi theo con kênh mò từng nắm hến bỏ vào thau. “Ngày nào nhiều tôi bắt được khoảng 2,3kg hến, mỗi kg bán được 10.000 đồng. Tôi không biết bơi nên cứ canh nước ròng mới mò hến được, chứ nước lớn ngập đầu mò hến khó lắm. Hôm nay mưa lớn, tôi tranh thủ bắt một chút rồi nghỉ, nếu trầm nước lâu quá là bệnh thì lại thêm khổ”, bà Ba nói.
Bà Nguyễn Thị Ba là nhân vật trong phóng sự Cụ bà 71 tuổi mò hến nuôi mẹ già U100 và chị gái tàn tật ở tỉnh Đồng Tháp (https://thanhnien.vn/video/phong-su/cu-ba-71-tuoi-mo-hen-nuoi-me-gia-u100-va-chi-gai-tan-tat-162468v.html) mà Báo Thanh Niên đăng tải ngày 15.6.2021. Bà Ba đã 71 tuổi, lại hỏng một mắt nhưng ngày ngày vẫn phải mò hến và đi làm thuê để có tiền trang trải, nuôi mẹ già 91 tuổi và chị gái 73 tuổi bệnh tật. Sau khi chúng tôi đăng tải video này, nhiều khán giả đã để lại bình luận xin địa chỉ và số tài khoản của 3 cụ để ủng hộ.
Do cả 3 cụ đều đã lớn tuổi, không có tài khoản ngân hàng nên mọi sự giúp đỡ, xin các bạn gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau:
Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên.
Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM.
Nội dung ghi: Giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Ba; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình bà Ba trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng!
|
Mẹ của bà là cụ Nguyễn Thị Dậu (91 tuổi) tuổi già, sức yếu, ốm đau thường xuyên. Còn bà Hai thì mắc bệnh đau nhức xương khớp nhiều năm vì không có tiền chữa trị nên đôi chân yếu dần rồi không thể đi lại 5 năm nay. Bản thân bà Ba cũng chẳng may mắn gì, năm 4 tuổi bà phát bệnh, không đủ điều kiện chữa trị khiến con mắt bên phải của bà bị mù.
|
|
“Tôi có 4 người con, chồng tôi mất sớm để lại tôi một mình nuôi con từ lúc hơn 30. Khi ấy ở đây khó khăn lắm tôi làm thuê đủ đường từ cắt lúa mướn, cắt cỏ rồi chuyển qua dệt chiếu mà cũng chẳng đủ tiền lo cho con. Do tôi đi làm suốt ngày không có thời gian chăm con thế là đứa lớn ở nhà trông coi đứa nhỏ, mấy chị em nó đùm bọc với nhau mà lớn lên”, cụ Dậu kể.
Vì thương các em thơ dại, bà Hai từ chối nhiều lời dạm ngỏ, hỏi cưới, chọn cuộc sống độc thân ở vậy đỡ đần mẹ và nuôi các em. “Thời trẻ tôi mần giỏi dữ lắm, người ta thấy tôi siêng năng nên đến dạm hỏi nhưng tôi đều khước từ. Giờ tuổi đã ngoài 70 lại thêm bệnh tật tôi chỉ còn biết trông chờ vào sự chăm sóc của em gái”, bà Hai bùi bùi kể.
Gánh nặng đè trên vai
Số phận các thành viên còn lại chẳng khá khẩm hơn, người qua đời vì bệnh tật, người có chồng nhưng không hạnh phúc, cuộc sống thiếu thốn. Chỉ còn bà Ba tiếp tục làm tròn đạo hiếu chăm lo cho mẹ và chị gái. Nhà chẳng có nổi công ruộng làm vốn, bà chỉ biết làm thuê sinh sống qua ngày.
Trước đây bà phụ mẹ dệt chiếu, sau này cả mẹ và chị gái đều bệnh không đủ sức dệt chiếu bà chuyển sang dọn vệ sinh ở chợ. Khoảng 3 năm nay, chủ chợ không thuê nữa thế là bà Ba thất nghiệp. Rồi bà chuyển sang mò hến, bắt ốc. Ráng lắm một ngày bà cũng chỉ kiếm được chừng ba bốn chục ngàn dù chi tiêu tằn tiện đến mấy cũng không đủ mua thuốc thang, đồ ăn thức uống.
|
|
|
“May nhờ bà con lối xóm, họ biết hoàn cảnh như vậy nên quan tâm gia đình tôi lắm. Lúc chợ tàn tôi hay đẩy xe đến gom bã mía, vỏ dừa đem về nhà làm củi đốt. Bà con thương tình cũng hay cho tôi tiền hoặc đồ ăn, quần áo. Tôi mang ơn họ vô cùng”, bà Ba nghẹn ngào nói.
Làm lụng vất vả, ăn uống hà tiện mấy chục năm trời khiến sức khỏe bà Ba ngày càng kiệt quệ. “Mấy năm nay bé Ba nó yếu đi nhiều rồi, con mắt trái bị cườm đá không còn nhìn rõ như trước. Người ta tài trợ cho nó mổ miễn phí mà nó không đi, nó nói mổ rồi thì ai đâu lo cơm nước, vệ sinh, tắm rửa cho má và chị hai nữa. Vậy là nó để vậy tới giờ”, cụ Dậu rớt nước mắt nói về con gái.
Ví về mình, bà Ba coi bản thân như “con cua gãy càng” còn ngoe nào thì ráng sức mà bò đi. Bà chỉ lo một mai mình có chuyện chẳng lành, mẹ bà và chị gái phải sống bơ vơ trên cõi đời.
Bình luận (0)