Ba dấu mốc quan trọng trong hành trình 11 năm của FE Credit

Ba dấu mốc quan trọng trong hành trình 11 năm của FE Credit

03/11/2021 08:00 GMT+7

Sau 11 năm hoạt động, FE Credit đã trở thành công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam với thị phần trên 50%. Giờ đây, cú bắt tay với “ông lớn” tài chính Nhật Bản SMBC được kỳ vọng thúc đẩy FE Credit thêm vững mạnh.

Kết duyên cùng SMBC

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngày 28.10 thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4.2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (VPB FC SMBC). VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

Nhận định về dấu mốc mới nhất và quan trọng này, chuyên gia cho rằng FE Credit có lợi khi "kết duyên" cùng SMBC. Theo đó, FE Credit có thể nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại các thị trường như Hongkong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, Malaysia... của SMBC.

Ở chiều ngược lại, cuộc "nên duyên" với FE Credit sẽ giúp SMBC tiếp cận được thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật Bản cũng có thể mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

Theo chuyên gia kinh tế - ngân hàng - LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các nhà đầu tư ngoại quan tâm tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là điều tất yếu. Bởi lẽ, thị trường Việt Nam nói chung và thị trường tài chính tiêu dùng nói riêng là thị trường tiềm năng hàng đầu trong các loại thị trường. Các con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị khảo sát, nghiên cứu, diễn biến của nền kinh tế xã-hội trong nước và quốc tế đã thể hiện rõ điều này.

Riêng FE Credit thời gian qua đã có thành công nổi bật, phát triển vượt bậc và đem về lợi nhuận khủng từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Từ nhiều năm qua, FE Credit được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty này đóng góp khoảng 40-50% vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng mẹ.

"Cho nên, hướng đi này là phù hợp, các nhà đầu tư lão luyện, sành sỏi đã tính toán kỹ càng trước khi lựa chọn", vị luật sư nhận xét.

Tất nhiên, ông cũng lưu ý, việc thành bại trong tương lai của cú bắt tay hợp tác này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

“Nếu như nắm chắc được 100% tất cả thông tin, con người, đặc điểm thị trường Việt Nam... thì nhà đầu tư vẫn có cơ hội, đưa ra các chính sách để đạt được tăng trưởng, kiếm được lợi nhuận”, LS Trương Thanh Đức phân tích.

Nhìn lại những ngày đầu...

Sự thành công của FE Credit trong nhiều năm qua, với dấu mốc mới năm 2021 là cú bắt tay với một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản với tổng tài sản trên 2.100 tỉ USD tại thời điểm 31.12.2020, không thể không nhắc đến những ngày đầu của FE Credit. Ở thời điểm năm 2010, FE Credit vẫn là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc VPBank.

LS Trương Thanh Đức cho biết, thời điểm ấy, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn non trẻ, song như đã thành quy luật, những gì ở giai đoạn đầu đều thắng.

“Giai đoạn đầu ở đây không phải là bắt đầu chập chững mà là giai đoạn nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng nhanh, từ GDP đến đầu tư, thu nhập, tiêu dùng nhu cầu vay mượn đến thị trường các sản phẩm... Ít ai trong những người ở lứa tuổi tôi nghĩ rằng khi thiếu tiền sẽ đi vay để ăn, tiêu, song lớp trẻ thì khác. Họ sẵn sàng vay trước trả sau để mua điện thoại, đi du lịch... mức độ hưởng thụ cao hơn thế hệ trước rất nhiều”, LS Trương Thanh Đức kể.

Vị luật sư, vào những năm 2010 còn đang là người của ngân hàng, nhớ lại, khi ấy rất rành rẽ, ngân hàng cho vay phục vụ đời sống, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Nhiều ngân hàng còn dè dặt cho vay tiêu dùng bởi cơ hội, tiềm năng trên lý thuyết thì nhiều nhưng nguy cơ cũng không kém. Nhưng rõ ràng, cho vay tiêu dùng là một xu thế, mà người kinh doanh thành công là biết kiểm soát rủi ro và nắm bắt được xu thế.

Chủ tịch VPBank – ông Ngô Chí Dũng cũng từng chia sẻ trên Forbes về hướng đi này của ngân hàng.

“Từ năm 2010, chúng tôi đã nhìn thấy xu hướng ở các nước Đông Âu. Nhờ sự hỗ trợ tư vấn của bạn bè nên chúng tôi biết cách thức làm như thế nào”, vị doanh nhân này từng nói.

Bên cạnh đó, theo nhận định của ông Trương Thanh Đức, tại Việt Nam những năm 2010, ngành ngân hàng truyền thống không mấy chú trọng đến các khoản vay dưới 100 triệu đồng và thị trường tín dụng đen được hưởng lợi. VPBank nhận thấy cơ hội ở thị trường này.

Và sự xuất hiện thương hiệu FE Credit

Từ bước ban đầu FE Credit được xây dựng như một khối của ngân hàng, đến năm 2014, VPBank mua lại Công ty Cổ phần Tài chính Than Khoáng sản và tách bạch FE Credit thành công ty riêng năm 2015.

Việc FE Credit chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh sang pháp nhân độc lập vào thời điểm năm 2015, theo LS Trương Thanh Đức, là phù hợp bởi tính chất đặc thù của hoạt động cho vay tiêu dùng, gắn liền với trách nhiệm các pháp lý.

Xin lưu ý thêm, giai đoạn 2014-2015 có thể coi là giai đoạn bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng với hàng loạt công ty tài chính mới gia nhập thị trường đua tranh quyết liệt. Năm 2015, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm.

Theo báo cáo của StoxPlus, dư nợ vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 10,5 tỉ USD tính đến tháng 12.2014, đã lên mức 15,12 tỉ USD vào cuối năm 2015 (tăng 44,1%). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng và sự cạnh tranh trên thị trường đã thúc đẩy việc FE Credit tách ra thành đơn vị độc lập.

Những thành tựu của FE Credit là điều đã được ghi nhận. Đến thời điểm hiện tại, FE Credit đã chiếm trên 50% thị phần của thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng, sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước với hơn 16.000 đối tác chiến lược tại hơn 21.000 điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Mạng lưới phân phối này đã và đang mang lại con số kinh doanh ấn tượng với hơn 200.000 khoản vay mới mỗi tháng. Sau 11 năm, công ty này đã cung cấp hơn 15 triệu khoản vay, phục vụ khoảng 12 triệu khách hàng, với đội ngũ nhân viên hơn 20.000 người.

Bắt kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những năm trở lại đây, FE Credit đầu tư rất nhiều vào số hóa đặc biệt là làm sao để xác định được điểm tín dụng đặc biệt dựa trên dữ liệu xã hội. Ví dụ việc chi trả hóa đơn nhà mạng để xếp hạng tín dụng, tiếp cận đến các cá nhân tài chính tiêu dùng.

Trong những năm trở lại đây, công ty này hoàn thiện hệ thống “Dữ liệu lớn” (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI conversation) trên chatbot, chữ ký điện tử,… nhằm rút ngắn thời gian duyệt vay.

Nói như một vị chuyên gia, để gây dựng được một công ty tài chính tiêu dùng không hề dễ. Và để gây dựng được một công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit là chưa từng có tại thị trường Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.