'Bà già đi bụi' đến bao giờ?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/10/2024 06:00 GMT+7

Đoàn phim 'Bà già đi bụi' vẫn thực hiện trailer và đưa lên mạng, tuy nhiên họ không có kinh phí quảng bá như 'Đào, phở và piano' trước đây.

Đào thương Minh Trang trở lại

Đôi mắt của nữ diễn viên Minh Trang vẫn tiếp tục thu hút công chúng điện ảnh sau hàng chục năm kể từ Nơi bình yên chim hót. Ở Bà già đi bụi, ngôi sao của cả điện ảnh và sân khấu này vào vai chính - một người phụ nữ đã trải qua nhiều năm sống một mình nuôi con sau khi chồng mất. Trong những năm tháng đó, bà và một người đàn ông khác thư từ cho nhau thường xuyên, nhưng việc đến với nhau cứ lần lữa bị lùi lại mãi chỉ để lo thêm cho các con… Sau đó, việc họ quyết định đến với nhau trở thành mâu thuẫn trong phim khi con cái thấy việc "bà nội có bồ" rất khó chấp nhận…

'Bà già đi bụi' đến bao giờ?- Ảnh 1.

Nữ diễn viên Minh Trang trong phim

ẢNH: ĐPCC

Được phát triển từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Bà già đi bụi là một câu chuyện có màu sắc vùng miền, qua ngôn ngữ cũng như cảnh trí. Đoàn phim chọn cảnh xứ dừa để đặt gia đình bà già đi bụi vào đó. Ở đó, khán giả được ngắm những ngôi nhà ở địa phương, hay cách thức người dân phơi khô cá sặt… "Bà già Minh Trang" là một bà nội được con cái yêu thương, nhưng trong lòng vẫn chất chứa cô đơn.

Không có những tạo hình già nua từ đôi bàn tay hay dáng lưng còng, Minh Trang thể hiện sự cô đơn đó hầu hết bằng ánh mắt. Sự cô đơn của bà không được xây dựng nên bằng những mâu thuẫn rất ầm ĩ, mà trên cái nền con cái đều vừa tìm cách làm điều tốt cho mẹ vừa tự xoay xở cho cuộc sống của chính mình. Bên cạnh đó, họ cũng mang trong mình những định kiến xã hội. Chính vì vậy, đấu tranh cho tình cảm, sự chiều chuộng bản thân của bà già, không chỉ là câu chuyện của gia đình nhỏ mà là cách lên tiếng cho quyền được yêu, được tự do của người già trong xã hội rộng lớn chỉ muốn họ an phận.

Tiết tấu phim Bà già đi bụi ở phần đầu có chút rề rà, với những đoạn tiếng ngoài hình. Tuy nhiên, tốc độ này sau đó đã phát triển, trở nên hợp lý hơn về sau, đặc biệt về cuối. Bộ phim về tình cảm gia đình này, dù được phân loại phổ biến cho mọi lứa tuổi, vẫn có độ tuổi đặc biệt thích hợp là những người trung niên đã nếm trải cuộc sống tam đại đồng đường. Nhờ đó, họ có thể hiểu hơn sự bối rối của các con, sự khác biệt cũng như tâm tư ít khi bộc lộ của ông bà, hoặc sự vô tư của con trẻ. Có nghĩa là đối tượng khán giả của phim khá rõ, khá rộng.

"Phim này đối tượng chủ yếu là người có đủ con cái và bố mẹ đã toan về nhà, một gia đình ba thế hệ. Còn tầng lớp trẻ hơn thì cũng sẽ hiểu câu chuyện, tôi cũng cho các bạn 2k xem, các bạn cũng nhận ra, à giống ông bà cháu", đạo diễn của phim Trần Chí Thành nói. Cũng theo ông Thành, lúc đầu nhiều người sợ phim sẽ kén khán giả, tuy nhiên bộ phim này nhẹ nhàng và người từng xem hôm giới thiệu đều thấy dễ chịu.

Không nên chỉ chờ phép màu

Đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ: "Chúng tôi vẫn có pano, áp phích, trailer, nhưng chúng tôi không có kinh phí để quảng bá phim. Trong khi phim thương mại, kinh doanh họ sẽ bỏ ra một số tiền lớn để quảng bá. Có những phim có chất lượng nội dung bình thường thôi, nhưng do quảng bá tốt khán giả tò mò đến xem thì doanh thu đã kéo lại vốn rồi. Phim nhà nước thiệt thòi ở cái đó. Hầu như mọi người không có thông tin để mà đến xem".

'Bà già đi bụi' đến bao giờ?- Ảnh 2.

Hạnh phúc trong mơ của người phụ nữ ở vậy nuôi con nhiều năm

ẢNH: ĐPCC

Đạo diễn Trần Chí Thành thậm chí còn cho rằng phim Đào, phở và piano nếu được phát hành thương mại thì thành công còn lớn hơn, không chỉ dừng ở cơn sốt vé đầu năm qua. "Nếu phim Đào, phở và piano được phát hành thương mại thì doanh thu trăm tỉ đồng và hơn nữa cũng là chuyện bình thường. Chứ không phải chỉ dừng hơn hai chục tỉ với điểm chiếu của nhà nước và bên hệ thống rạp Beta đâu", ông nói.

Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cũng đánh giá rất cao Bà già đi bụi ở khả năng bán vé nếu được phát hành thương mại. "Chúng tôi biết là phim tốt chứ, biết từ lâu rồi, biết từ lúc duyệt phim. Tệp khách hàng rất rõ. Nhưng làm thế nào được, ra rạp ngay xong rồi không có cơ chế cho đơn vị phổ biến phim thì ai làm", ông Vi Kiến Thành nói sau buổi công chiếu giới thiệu phim với báo chí.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, từ sau thành công của Đào, phở và piano, chưa có gì thay đổi về chính sách phát hành phim nhà nước. Ông cho biết cũng chỉ mới xin được tài khoản để gửi doanh thu phim Đào, phở và piano vào cho nhà nước. "Từ tháng 3 đến tháng 9, chúng tôi mất 6 tháng trời đeo đuổi công văn xin xỏ thì cuối tháng 9 mới có số tài khoản để các đơn vị đã giúp phổ biến phim Đào, phở và piano gửi tiền thu được cho nhà nước. Giờ Bà già đi bụi ra rạp giống phim kia thì cũng lại mất 6 tháng nữa", ông Vi Kiến Thành nói.

Doanh thu của phim có nhà nước đầu tư

Năm 2014, bộ phim Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) được chiếu trong dịp lễ 2.9. Thời điểm đó, đấy là bộ phim nhà nước đầu tư với kinh phí lớn nhất: 21 tỉ đồng. Mặc dù vậy, phim mau chóng bị rút khỏi rạp do quá ít người xem, các xuất chiếu bị hủy liên tục. Sống cùng lịch sử khi đó làm dấy lên việc các phim nhà nước hoàn toàn không có kinh phí quảng bá, cũng chỉ được chiếu ở hệ thống rạp nhà nước không mấy hiện đại nếu so với các cụm rạp được yêu thích của tư nhân.

Sau đó, Cục Điện ảnh cũng đầu tư vào một số bộ phim dưới hình thức hỗ trợ, chứ không phải chi 100% như Sống cùng lịch sử. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) sau đó trở thành một phim có thành công về doanh thu, khi thu về 78 tỉ đồng. Một tác phẩm khác cũng được nhà nước hỗ trợ là Maika - cô bé đến từ hành tinh khác không thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tác phẩm điện ảnh thiếu nhi của đạo diễn Hàm Trần này chỉ thu về 6,4 tỉ đồng so với tiền đầu tư toàn bộ khoảng 30 tỉ đồng.

Năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ của phim nhà nước Đào, phở và piano. Bộ phim này thu về hơn 20 tỉ đồng, với cách thức phát hành rất đặc biệt: cả nhà nước và tư nhân cùng chiếu không công mà không màng đến chi phí bỏ ra để chiếu phim. Tác phẩm đã gây sốt phòng vé trong một khoảng thời gian chừng 2 tháng. Hiện tượng này lại khiến công chúng đặt câu hỏi về cơ chế chiếu phim nhà nước, làm sao để có thể thu hút được các nhà phát hành công tư cùng tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.