'Bà giáo' thợ may nâng đỡ người khuyết tật suốt 20 năm vì một chữ 'thương'

Bá Cường
Bá Cường
16/07/2023 11:45 GMT+7

Hơn 20 năm ròng, bà Hoàng Thị Len vẫn chịu thương chịu khó giúp đỡ cho những đứa trẻ khuyết tật, dạy nghề may để họ có cơ hội bắt kịp với cuộc đời.

Cơ duyên với người khuyết tật

Lần theo con đường gần ngoại ô TP.Đồng Hới (Quảng Bình), tôi mất nhiều thời gian để tìm được tiệm may của bà Hoàng Thị Len (52 tuổi, P.Bắc Lý), bởi từ khi hành nghề đến nay bà vẫn không đặt bảng hiệu. 

Căn nhà nhỏ nằm sâu bên trong, thiếu ánh sáng mặt trời là nơi mà bà mở tiệm may và kiêm luôn một lớp học nghề cho người khuyết tật.

Người phụ nữ 20 năm kẽo kẹt dạy may cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Ngoài việc làm nghề may mặc, bàn Len còn nhận dạy thêm cho các học viên, trong đó có có người khuyết tật.

BÁ CƯỜNG

"Tôi học nghề may từ năm 1994, sau 3 tháng thì tôi mở tiệm may tại nhà, lúc đó cũng đã nhận học viên cho những ai có nhu cầu. Nhưng cơ duyên với những đứa trẻ khiếm thính lại đến vào năm 2001, khi một đứa trẻ gần nhà tìm đến tôi để xin học nghề", bà Len nhớ lại.

Bà Len nhận chị Dung - một người khuyết tật - vào lớp học, dẫu biết rằng dạy nghề cho người khuyết tật cực kỳ khó.

Người phụ nữ 20 năm kẽo kẹt dạy may cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Bà Len từng được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen "Phụ nữ tiêu biểu" năm 2018

BÁ CƯỜNG

"Dạy cho người khuyết tật, mọi hành động, cách giảng dạy đều phải thông qua những cử chỉ. Bản thân tôi lại không biết các ngôn ngữ của người khiếm thính nên thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn", bà Len chia sẻ.

Dẫu khó khăn là vậy, bà Len nhận dạy nghề cho chị Dung và sau đó còn nhận thêm 4 học viên khuyết tật khác. Có người khiếm thính, có người thiểu năng...

20 năm "sống" cùng học viên

Lần đầu tiên gặp bà Len, trong căn nhà quá thiếu ánh sáng, phải mất vài giây tôi mấy thấy rõ vóc dáng của người phụ nữ tuổi 50, gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng...

Người phụ nữ 20 năm kẽo kẹt dạy may cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Chị Dung là học viên khuyết tật đầu tiên và gắn bó với bà Len đến tận hôm nay

BÁ CƯỜNG

Phía sau lưng bà có cô gái đang cúi người để đo từng mét vải, đó là chị Nguyễn Thùy Dung (37 tuổi, P.Bắc Lý), học viên khiếm thính đầu tiên và là người duy nhất gắn bó với bà Len đến tận bây giờ.

"4 học viên còn lại đều đã tách ra để về quê lập nghiệp. Thỉnh thoảng tôi cũng có hỏi thăm, 2 đứa trẻ khiếm thính vẫn đang hành nghề may ở H.Quảng Trạch, 2 đứa trẻ khác mắc chứng thiểu năng nên khó giữ nghề", bà Len chia sẻ.

Người phụ nữ 20 năm kẽo kẹt dạy may cho người khuyết tật - Ảnh 4.

Bà Len giúp đỡ, cưu mang chị Dung như con trong gia đình

BÁ CƯỜNG

Bước vào căn nhà bừa bộn vải, các cuộn chỉ lăn lóc giữa sàn, bà Len đưa chị Dung ngồi cạnh rồi kể về những câu chuyện mà cả hai đã cùng nhau trải qua. Suốt hơn 20 năm qua, chị Dung như một người con trong gia đình bà. Ngoài chuyện truyền dạy nghề may, bà Len còn kiêm  luôn nhiệm vụ người đưa đón, "bao" ăn ở cho chị Dung, dù gia đình nhỏ của bà còn có 3 người con nữa.

"Nhà Dung cách đây không xa. Lúc bình thường thì có mẹ đưa đến, hôm nào trời mưa to Dung nó điện tôi ú ớ vài câu là hiểu ngay xuống đón nó với. Dung làm việc cả ngày cho đến chiều mới về nhà, bữa trưa cũng ở lại đây ăn uống cùng gia đình tôi", bà Len bày tỏ.

Những ngày đầu đến lớp, không học được, không hiểu được lời chỉ dạy của bà Len, chị Dung bỏ về. Sau những lần như thế, bà Len phải tận nhà gõ cửa, dỗ dành để Dung quay trở lại lớp học.

Người phụ nữ 20 năm kẽo kẹt dạy may cho người khuyết tật - Ảnh 5.

Bà Len vẫn sẵn sàng nhận học viên, dạy nghề cho những người khuyết tật nếu có nhu cầu.

BÁ CƯỜNG

"Con tôi hay nói đùa với tôi là mẹ dỗ dành, cưng chiều chị Dung còn hơn con nữa, tôi cũng giải thích cho mấy đứa hiểu. Có lẽ Dung cũng ngại, nhiều lần muốn tự lập mở tiệm riêng, nhưng tôi khuyên can, cứ ở lại với tôi được lo ăn ở, trả lương hằng tháng", bà Dung dí dỏm.

Đáp lại tình cảm đó, đến dịp 20.11 hay sinh nhật bà Len, chị Dung lẳng lặng đi sắm quà cáp, hoa tươi rồi về chỉ tay lên cuốn lịch, ra dấu hôm nay nhân dịp gì đó để tặng quà.

Ở tuổi trung niên, mắt đã yếu, sức khỏe cũng hạn chế, bà Len vẫn giữ nguyên tình cảm ấm áp dành cho những người khuyết tật. Ai có nhu cầu tìm đến, bà vẫn sẵn sàng dạy miễn phí như cách bà đã dành cho chị Dung cùng 4 học viên khác. Tất cả chỉ vì một chữ "Thương".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.