Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.HCM, từ ngày 8 - 31.5, cơ quan này sẽ đưa vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm.
Các bị cáo bị truy tố ở 2 tội danh: “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, bị án Phạm Công Danh sẽ được thẩm phán triệu tập đến với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên toà do Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, ông Phạm Lương Toản làm chủ toạ và có 2 thẩm phán dự khuyết. 3 kiểm sát viên tham gia phiên toà gồm: ông Đỗ Mạnh Bổng, bà Nguyễn Quỳnh Lan, bà Lê Thị Đông và có 2 kiểm sát viên dự khuyết.
Ngân hàng thương mại TNHH 1TV Xây dựng Việt Nam - CB Bank (trước đây là TrustBank thời Hứa Thị Phấn, VNCB thời Phạm Công Danh) là nguyên đơn dân sự của vụ án.
Chủ tọa cũng xác định và mời 63 công ty, các ngân hàng đến toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang.
Có 115 cá nhân được mời tham gia phiên toà với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.
Có 25 luật sư (LS) tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có 5 LS tham gia bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, gồm: LS Phạm Ngọc Trung, LS Trương Vĩnh Thuỷ, LS Trương Thị Minh Thơ, LS Nguyễn Thị Thanh Thảo, LS Lưu Văn Tám.
2 LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang là LS Phan Trung Hoài, LS Nguyễn Huy Thiệp.
tin liên quan
Kê biên tài sản khủng của bà Hứa Thị PhấnTheo cáo trạng, tháng 6.2010, vốn điều lệ của TrustBank là 3.000 tỉ đồng. Đầu năm 2007, bà Phấn mua gần 255 triệu cổ phần của TrustBank tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ TrustBank. Bà Phấn cùng Công ty Phú Mỹ (công ty của bà Phấn - PV) và 14 người trong gia đình, họ hàng của bà Phấn (gọi là nhóm Phú Mỹ) đứng tên vay vốn giúp bà Phấn.
Lợi dụng việc nắm giữ vốn điều lệ lớn, cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank, bà Phấn đã thâu tóm HĐQT, ban điều hành và cán bộ của TrustBank, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt, rút ruột của TrustBank hơn 12.000 tỉ đồng.
Hậu quả TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém), tháng 2.2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.
Vụ án liên quan đến Hứa Thị Phấn được tách thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cáo trạng chỉ truy tố hành vi sai phạm của bị cáo gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng. Riêng khoản thiệt hại 5.643 tỉ đồng qua 3 hành vi khác của bị cáo Phấn sẽ được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.
Liên quan đến Công ty CP Đầu tư Phương Trang, cáo trạng xác định, bà Phấn lợi dụng vào nhu cầu vay vốn của Công ty CP đầu tư Phương Trang để buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Tuy nhiên, sau đó, TrustBank đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay của Công ty Phương Trang, đẩy dư nợ khống cho công ty này tổng số tiền hơn 5.466 tỉ đồng.
Đến ngày 15.11.2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ gốc hơn 9.402 tỉ đồng nhưng công ty Phương Trang chỉ thừa nhận thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng và chỉ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này.
Theo hồ sơ vụ án, bà Hứa Thị Phấn có đơn tố cáo Công ty CP đầu tư Phương Trang, nhưng cơ quan điều tra cho rằng do bà Phấn bị bệnh (theo bệnh án, bà Phấn đang bị bệnh nặng, chỉ còn 7% sức khỏe - PV), chưa đối chất được lời khai giữa các bên nên tách nội dung tố cáo này ra khỏi vụ án. Cụ thể, trong đơn, bà Phấn tố cáo Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Phương Trang và nhóm Phương Trang đã chiếm đoạt của bà 1.062 tỉ đồng và 400.000 USD.
|
Bình luận (0)