Trong lịch sử Mỹ, chưa từng có người phụ nữ da màu và gốc Á nào tiến xa đến như vậy trong cuộc đua vào Nhà Trắng để trở thành nguyên thủ đất nước.
Bà Harris hôm nay 23.8 (giờ Việt Nam) chính thức ghi tên mình vào lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ khi là người đầu tiên da màu và gốc Á nhận được đề cử của đảng Dân chủ - một trong hai chính đảng lớn nhất của nước Mỹ - để bước vào cuộc đấu song mã với đại diện chính đảng còn lại là Cộng hòa.
Kết thúc Đại hội đảng Dân chủ: Bà Harris cam kết bảo vệ nước Mỹ, kêu gọi chấm dứt xung đột Gaza
Đối thủ chính thức của bà Harris là cựu Tổng thống Donald Trump - người từng đánh bại một nữ ứng viên khác của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.
Giờ đây bà Harris đứng trước một cơ hội nữa để làm nên lịch sử. Nếu chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đang diễn ra ngày cuối cùng và bà Harris đang có bài phát biểu "để đời" cho hành trình chinh phục lịch sử lần nữa. Những nhân vật quan trọng và có sức ảnh hưởng nhất của đảng Dân chủ như đương kim Tổng thống Joe Biden, vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đều đã tiếp sức cho bà Harris.
Sự nhập cuộc muộn của bà Harris sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút lui cuối tháng 7 được đánh giá là đòn giáng bất ngờ với các chiến lược tranh cử của ông Trump - người đầy tự tin khi thoát chết thần kỳ sau vụ bị tay súng ám sát ngay tại buổi vận động tranh cử ngoài trời hôm 14.7.
Vợ chồng cựu Tổng thống Obama tung 'cú đấm kép' để hỗ trợ bà Harris
Các dữ liệu khảo sát cho thấy bà Harris đã gây khoản quỹ khủng kỷ lục trong thời gian rất ngắn so với ông Trump. Ngoài ra, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho bà Harris đã gia tăng nhanh chóng và cục diện của cuộc bầu cử gần như thay đổi hoàn toàn khi sự bám đuổi của hai ứng viên là rất sít sao. Điều này khác với thời gian ông Biden còn là ứng viên được xem là chắc chắn của đảng Dân chủ vì ông Trump đã có nhiều lợi thế hơn hẳn, đặc biệt sau màn tranh luận "tay đôi" của hai ông.
Chỉ còn hơn 70 ngày nữa cuộc bầu cử sẽ diễn ra, cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều đang nỗ lực để thu hút cử tri cho cuộc đua nước rút.
Liệu ông Trump có thành công quay trở lại Nhà Trắng hay bà Harris sẽ là nữ chủ nhân mới của Tòa bạch ốc. Nếu thành công bà Harris còn có thể đưa người chồng của mình trở thành đệ nhất phu quân đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bốn năm trước, chính bà Harris cũng làm nên lịch sử khi trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, đồng thời là phó tổng thống da màu đầu tiên, phó tổng thống gốc Nam Á đầu tiên trong lịch sử đất nước.
Bà từng có chuỗi dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp chính trị của mình. Bà Harris sinh ra tại Oakland, California, lớn lên theo học và tốt nghiệp Đại học Howard và Đại học Luật Hastings Đại học California. Bà kết hôn với luật sư Douglas Emhoff vào năm 2014.
Bà bắt đầu làm việc tại Văn phòng Công tố viên Quận Alameda, trước khi gia nhập Văn phòng Công tố viên San Francisco và sau là văn phòng của Luật sư thành phố San Francisco. Năm 2010, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California cũng là phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào vị trí này.
Năm 2017, bà chính thức trở thành nữ thượng nghị sĩ gốc Nam Á đầu tiên của Mỹ. Chỉ 3 năm sau đó, bà nhậm chức phó tổng thống. Và như đã nói, bà là nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, đồng thời là phó tổng thống da màu đầu tiên, phó tổng thống gốc Nam Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bình luận (0)