Sau đó Ba Lan lóe sáng ở World Cup 1986 một lần nữa rồi tắt ngúm cho tới năm 2008 mới trở lại Euro và bị vùi dập tơi bời, loại ngay từ vòng bảng. Tới Euro 2012, Ba Lan cố sức một lần nữa và lại bị loại ngay. “Đại bàng trắng” chẳng khác gì đàn gà con, thật thảm thương.
Tưởng rằng tuyết đã phủ trắng, bóng đá Ba Lan khó lòng ngóc đầu lên nổi, ngờ đâu tuyết đã tan, đang tan và tan rất ấn tượng. Ba Lan vượt qua vòng loại với 33 bàn thắng sau 10 trận, con số ấy đủ thấy đội bóng trắng - đỏ vẫn chơi bóng đá tấn công và thành công với lối chơi ấy. Ở bảng C vòng chung kết, tuy chỉ ghi được 2 bàn thắng nhưng Ba Lan vẫn chơi tấn công, họ chỉ chấp nhận hòa 0-0 với tuyển Đức và thắng trong thế áp đảo 2 trận còn lại. Tới đây người ta không còn thấy đàn gà con nữa, thay vào đó là bóng dáng “Đại bàng trắng” đã trở về.
Dù vượt qua vòng 1/8 nhờ loạt đá luân lưu, vẫn thấy Ba Lan thắng Thụy Sĩ không chỉ nhờ vào may mắn. Họ vẫn chơi bóng đá tấn công hợp lý, có quá nửa thời gian họ áp đảo Thụy Sĩ. Và nếu Lewandowski, Milik may mắn hơn thì họ đã thắng Thụy Sĩ ngay trong 90 phút. Biệt danh “Đại bàng trắng” có từ 1974 để nói về lối chơi tấn công vỗ mặt của Ba Lan từ thuở ấy.
Tuy vậy, phải nói đàn đại bàng của ông Adam Nawalka quen lối tấn công vỗ mặt tỏ ra khá lúng túng khi đối phương chơi phòng thủ co cụm. Khi đó “đại bác” Lewandowski bỗng tịt ngòi. Với 13 bàn ở vòng loại, Lewandowski không ghi nổi bàn nào qua 390 phút trong suốt 4 trận vừa qua. Tuyển Ba Lan cũng chỉ ghi được đúng 3 bàn. Gặp Bồ Đào Nha, nếu ông Fernando Santos lại tiếp tục triết lý “bóng đá khoa học không sợ hãi”, gọi hết cầu thủ về sân nhà “đắp đê chắn lũ”, Ba Lan sẽ hết cửa vào bán kết. Còn nếu đúng như những tuyên bố hoành tráng của truyền thông xứ Bồ, Ronaldo là người khổng lồ, Lewandowski và Milik chỉ là những con kiến đáng thương thì sự chủ quan đó sẽ là cửa sáng mở toang cho đàn “Đại bàng trắng”.
Mùa này Ba Lan tuyết đã tan, nắng đã ngập tràn. Trên sân cỏ Euro bóng đá Ba Lan tuyết cũng đã tan, nhưng nắng đã về chưa thì hãy còn phải chờ thêm chút nữa.
Bình luận (0)