Ba lần 'kéo rèm' Liên hoan phim Cannes của Woody Allen

14/04/2016 13:53 GMT+7

Cách đây vài tuần, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes vừa công bố bộ phim Café Society của đạo diễn Woody Allen sẽ trình chiếu mở màn cho liên hoan năm nay.

Cách đây vài tuần, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes vừa công bố bộ phim Café Society của đạo diễn Woody Allen sẽ trình chiếu mở màn cho liên hoan năm nay.

Dù theo thông lệ, tác phẩm khai mạc liên hoan sẽ không tham gia tranh giải, tuy nhiên vinh dự này vẫn được xem là một trong những điều mà bất cứ đạo diễn nào cũng mơ ước. Đơn giản, bởi Cannes là nơi hội tụ của những bộ phim nghệ thuật đầy tính táo bạo và những thử nghiệm mới của cả châu Âu lẫn khắp thế giới.
Tính luôn cả tác phẩm năm nay, Woody Allen sẽ có tổng cộng 3 lần "vén rèm" Liên hoan phim Cannes. Ông là đạo diễn duy nhất trên thế giới lập được kỷ lục này. Không phải ngẫu nhiên mà Woody Allen có thể đạt được điều đó, mà nó là kết quả của một quá trình mày mò, sáng tạo nên những bộ phim đậm chất thơ trong suốt nhiều thập niên. Hai bộ phim trước của Woody Allen được chọn mở màn cho Cannes là Hollywood Ending (2002) và Midnight in Paris (2011).
Hollywood Ending - Lần kéo rèm thất bại
Woody Allen thủ vai chính trong Hollywood Ending. Ảnh: Chụp màn hình.
Woody Allen thủ vai chính trong Hollywood Ending - Ảnh: Chụp màn hình
Dù đã nổi tiếng với phong cách làm phim lãng mạn đầy tính châm biếm pha trộn với chất thơ từ tận thập niên 1980, nhưng mãi đến năm 2002, Woody Allen mới có phim đầu tiên được chọn chiếu mở màn tại Liên hoan phim Cannes. Bộ phim này do chính Woody Allen thủ vai chính, kể về câu chuyện của một người đạo diễn bị mù tạm thời trước ngày khởi quay một bộ phim bom tấn quan trọng. Nguyên do của chứng mù này chính là những rối loạn và căng thẳng về mặt tâm lý của Val, nhân vật chính, vì phải đối mặt với cô vợ cũ và nhân tình mới của cô ta, cũng là ông chủ studio sản xuất bộ phim. Cuối cùng, Val nhận ra Hollywood là một giấc mơ đã kết thúc với mình, tuy nhiên, một chân trời mới lại mở ra cho nhân vật, đó chính là nước Pháp, vì bộ phim ông làm ra được đón nhận nhiệt liệt ở đó.
Đây không phải lần đầu cũng như không phải dịp hiếm hoi Woody Allen đóng trong phim của chính mình. Ông đã nhiều lần làm điều tương tự, nhưng trong Hollywood Ending, Woody Allen lại đối mặt với khá nhiều lời phê bình. Từ nội dung, diễn xuất cho đến cách dựng phim trong Hollywood Ending đều không chinh phục được truyền thông và người hâm mộ. Hollywood Ending năm đó được xem là một thất vọng khá lớn của Woody Allen. Tuy vậy, với nam đạo diễn, điều này cũng không có gì là đáng buồn, bởi trong giai đoạn này Woody Allen cũng thường xuyên phải đối mặt với những lời phê bình tương tự. Các tác phẩm như Anything Else (2003), Melinda and Melinda (2004)... cũng ít nhiều bị chỉ trích, nhưng cái hay của Woody Allen là ông ít khi tỏ ra nản chí, hay cáu gắt, bực bội mà vẫn luôn giữ sức làm phim rất đều đặn và đáng nể của mình.
Hollywood Ending năm đó nhanh chóng bị chìm vào quên lãng giữa một "rừng" phim mà Woody Allen làm ra trong nhiều năm. Và mãi đến tận gần một thập niên sau, Woody Allen mới một lần nữa quay lại vị trí người mở màn cho Liên hoan phim Cannes.
Midnight in Paris - Đỉnh cao phong độ và tình yêu nước Pháp
Midnight in Paris là bộ phim thơ mộng và đẹp đẽ nhất của Woody Allen trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Chụp màn hình.
Midnight in Paris là bộ phim thơ mộng và đẹp đẽ nhất của Woody Allen trong vài năm trở lại đây - Ảnh: Chụp màn hình
Rất dễ nhận thấy nước Pháp luôn là đề tài bất hủ trong các bộ phim của Woody Allen, chả trách vì sao mà Liên hoan phim Cannes lại ưu ái ông đến vậy. Năm 2011, khi Midnight in Paris được công bố là bộ phim mở màn của Cannes, dù "bóng ma" của thất bại mang tên Hollywood Ending đã chìm sâu vào quên lãng nhưng vẫn có rất nhiều khán giả ngờ vực. Liệu tác phẩm này có lặp lại thất bại trước đó? Và câu hỏi ấy đã được Woody Allen đáp trả bằng một bộ phim đẹp tuyệt vời, đậm chất thơ và không chỉ thành công khi trình chiếu tại Cannes mà còn ẵm luôn giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Oscar và Quả cầu vàng năm đó.
Midnight in Paris xoay quanh câu chuyện về những hoài niệm về năm tháng vàng son ở nước Pháp. Những cảnh đẹp hút mắt, nội dung lãng mạn và tràn ngập tinh thần văn hóa, hoài cổ là thứ tạo nên thành công của Midnight in Paris. Cannes năm đó với sự mở màn của Midnight in Paris cũng thành công rực rỡ với hàng loạt các tác phẩm đình đám được chú ý. Woody Allen rốt cuộc cũng được "nở mày nở mặt" phục thù sau cú thất bại lần trước. Và dù có là đạo diễn chưa từng đoạt giải thưởng nào ở Liên hoan phim Cannes đi chăng nữa, Woody Allen vẫn có thể tự hào được xem là "người nhà" của Cannes với tình yêu nước Pháp nồng cháy và những bộ phim đẹp như tranh.
Café Society - Vẫn đậm tinh thần hoài cổ
Vơi Café Society, Woody Allen trở thành đạo diễn duy nhất có 3 lần mở màn Liên hoan phim Cannes. Ảnh: Amazon Studios
Vơi Café Society, Woody Allen trở thành đạo diễn duy nhất có 3 lần mở màn Liên hoan phim Cannes - Ảnh: Amazon Studios
Câu chuyện của Café Society kể về một chàng trai tìm đến Hollywood để lập nghiệp. Tại đây, trong quá trình theo đuổi điện ảnh, anh đã gặp cô gái của đời mình và bị cuốn vào cuộc sống đầy sôi động mà cũng không kém phần phức tạp của các quán cà phê, phòng trà. Chúng được xem như một biểu tượng về văn hóa và tinh thần của thời đại này, thập niên 1930.
Tiếp tục khai thác chủ để hoài cổ, Woody Allen năm nay hứa hẹn mang đến cho khán giả của Cannes một phần mở màn đầy cảm xúc. Với sự góp mặt của bộ đôi điễn viên Mỹ Jesse Eisenberg và Kristen Stewart, tác phẩm lần này hứa hẹn cũng sẽ rất trẻ trung và vui vẻ chứ không chỉ u sầu, ảo não như những gì mà người ta tưởng tượng. Xét một cách công bằng, thì Café Society lại rất phù hợp để trình chiếu tại một sự kiện như Cannes năm nay, vì nó là sự giao thoa giữa những cái cũ và cái mới, giữa trẻ và già, giữa hoài niệm và hiện đại. Woody Allen bây giờ cũng đã cẩn trọng hơn, có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại thất bại của năm 2002 nữa. Và cú kéo rèm lịch sử lần này, hứa hẹn sẽ lại là một cú kéo rèm thành công nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.