Ba Lan kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu

24/08/2015 13:57 GMT+7

(TNO) Tân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự ở nước này và Đông Âu để đối phó với "mối đe dọa đến từ Nga".

(TNO) Tân Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự ở nước này và Đông Âu để đối phó với "mối đe dọa đến từ Nga"; ông Duda sẽ thực hiện những chuyến đi sang Tây Âu và Mỹ để thực hiện mục tiêu này.

Ba Lan kêu gọi sự hiện diện của quân đội NATO ở Đông Âu - Ảnh: AFP
Tân Tổng thống Andrzej Duda có chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới đến Estonia hôm 23.8. Tại đó, ông kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân đến vùng biên giới thực sự của tổ chức này, tức đến sườn phía đông của châu Âu, theo Press TV. NATO có 28 quốc gia thành viên, trong đó có những nước thành viên Đông Âu như Latvia, Lithuania và Estonia.
“Đó là đề nghị của tôi và các nước thành viên NATO khác cũng nên xem xét đề nghị đó. Việc hiện diện của quân đội NATO không chỉ là hợp pháp dưới quan điểm lịch sử mà còn là công bằng cho các nước thành viên khác”, Tổng thống Duda nói và nhấn mạnh “chúng tôi cần sự hiện diện nhiều hơn của NATO ở khu vực này của châu Âu”.
Tổng thống Ba Lan sẽ đi thăm Anh, Đức và Mỹ trong thời gian tới để thuyết phục lãnh đạo những nước thành viên có tiếng nói trong NATO lập căn cứ quân sự ở những khu vực thuộc Đông Âu. Hồi tháng 5.2014, những ngày đầu trong cương vị tổng thống, ông Duda đã bày tỏ lo ngại trước hiểm họa "đến từ nước Nga" đối với an ninh của Ba Lan. Tổng thống Duda sẽ có cơ hội kêu gọi sự giúp đỡ từ NATO khi hội nghị thượng đỉnh của tổ chức quân sự lớn nhất thế giới này được tổ chức tại Warsawa vào năm 2016.
Tổng thống Estonia, ông Toomas Hendrik Ilves tuyên bố ủng hộ quan điểm của người đồng cấp Ba Lan. “Tôi đã nói điều này và sẽ tiếp tục nói. Nếu an ninh của chúng ta đảm bảo, chúng ta có thể ngăn chặn được một cuộc xâm chiếm tiềm tàng (đến từ quốc gia khác)”, Tổng thống Estonia ám chỉ Moscow đang đe dọa an ninh và sự ổn định của khu vực sau khi sáp nhập Crimea vào Nga hồi năm 2014.
NATO và Ukraine lên tiếng phản đối vụ sáp nhập này cũng như việc Moscow ủng hộ lực lượng thân Nga ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, Moscow bác bỏ các cáo buộc dính líu đến phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.